Ngành công thương triển khai nhiệm vụ năm 2014

Đăng Học-Thứ sáu, ngày 10/01/2014 20:32 GMT+7

Ngành Công Thương triển khai nhiệm vụ năm 2014. (Ảnh: VGP)

Sáng nay (10/1), tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành công thương tập trung cho nhiệm vụ ưu tiên là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tăng cường quản lý nhà nước và vận hành đồng bộ nền kinh tế thị trường.

Trong kết quả chung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, ngành Công thương đã có những đóng góp đáng kể, trong đó có sự phục hồi của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu đã giúp thu về kim ngạch hơn 132 tỷ USD và xuất siêu cả năm đạt trên 860 triệu USD. Cùng với đó, thị trường trong nước tiếp tục tăng trưởng, cân đối cung cầu hàng hóa đảm bảo, hàng tồn kho giảm dần.

Những kết quả này đã góp phần đáng kể cho nỗ lực cải thiện cán cân thanh toán quốc gia, tăng dự trữ ngoại hối, kiểm soát được làm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Từ kết quả này, ngành Công thương đã đặt ra mục tiêu tiếp tục phục hồi và thúc đẩy sản xuất công nghiệp tốt hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, tăng cường xuất khẩu nhằm làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, ngành cũng tích cực chủ trì và tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường để thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước; kiên định và kiên trì lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực và kết quả mà ngành công thương đã đạt được đồng thời nhất trí với những định hướng và nhiệm vụ lớn mà ngành đặt ra cho năm 2014 nhằm cùng cả nước tiếp tục thực hiện mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng cao hơn.

Tiếp tục nhấn mạnh nhấn mạnh vai trò quản lý Nhà nước cũng như vận hành nền kinh tế thị trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Công thương coi việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách là một ưu tiên hàng đầu.

Một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần nghiêm túc triển khai là việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thuộc của Ngành Công thương. Theo đó, trong 6 tập đoàn, 10 tổng công ty hiện nay sẽ tiến hành cổ phần hóa toàn bộ Tập đoàn Dệt may và cổ phần hóa từng phần các tập đoàn, tổng công ty còn lại.

5/10 Tổng Công ty đã cổ phần tiếp tục xem xét lộ trình giảm bớt cổ phần nhà nước. Cùng với Cổ phần hóa, các doanh nghiệp phải tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp, công khai minh bạch kết quả hoạt động doanh nghiệp và phải thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Công thương thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng các đề án, quy hoạch phát triển của ngành; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ.

Chú trọng tăng hàm lượng công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong từng sản phẩm; từng bước giảm gia công, lắp ráp chuyển sang thiết kế, chế tạo và chế tác gắn với ứng dụng các công nghệ cao. Bên cạnh đó, ngành Công thương tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; kiểm soát giá cả thị trường, chống hàng giả, hàng lậu; tăng cường quản lý, bảo vệ thị trường trong nước trước các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu qua biên giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý cần tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng điện, than, xăng dầu theo lộ trình phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch về giá cũng như yêu cầu kiểm soát lạm phát; đồng thời có chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách. Chủ động, tích cực trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các Hiệp định đã ký kết, gia nhập hoặc đang trong quá trình đàm phán để các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, người dân chủ động khai thác có hiệu quả.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước