Ngày chất vấn đầu tiên nóng với vấn đề nợ công, hoạt động ngân hàng

PV-Thứ năm, ngày 16/11/2017 19:21 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng là những thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này.

Triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để quản lý nợ công

Sáng nay (16/11), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên tham gia phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Một trong những nội dung nổi bật trong nhóm vấn đề thứ nhất là việc kiểm soát nợ công và hiệu quả đầu tư công. Đại biểu Trần Hoàng Ngân của đoàn TP.HCM nêu câu hỏi: "Là người chịu trách nhiệm chính về Nợ công quốc gia, Bộ trưởng có giải pháp cụ thể nào để đảm bảo an toàn nợ công vừa đảm bảo nguồn vốn?".

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: "Trong bối cảnh nợ công của chúng ta tăng cao, áp lực phải trả nợ lớn, chúng ta phải có lộ trình giảm dần bội chi và đảm bảo an toàn nợ công".

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Bộ Tài chính đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để quản lý nợ công

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt rất nhiều các giải pháp để tăng cường quản lý nợ công như tiếp tục hoàn thiện thể chế.

Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận và sẽ thông qua Luật quản lý nợ công sửa đổi. Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị 02 về quản lý nợ công, tăng cường quản lý các bộ ngành trong quản lý ODA, quản lý sử dụng nợ công.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: "Từ những giải pháp trong thời gian tới, giải pháp đầu tư từ nguồn vốn vay chỉ tập trung cho các dự án quan trọng. Trong thời gian tới, chúng ta chủ yếu vay Ngân hàng thế giới kết hợp với vay ưu đãi nên chúng ta phải tập trung với việc sử dụng vốn vay cho các dự án quan trọng, có tác động lan tỏa, từng bước để kiểm soát tốc độ tăng nợ công. Thứ 2 là xác định bội chi ngân sách nhà nước và lộ trình cắt giảm bội chi. Như báo cáo Quốc hội trong kế hoạch tài chính 3 năm, năm nay bội chi là 3,5%, năm 2018 là 3,7%, năm 2019 giảm xuống 3,6% còn năm 2020 xuống 3,4%. Kiểm soát bội chi là cực kỳ quan trọng để kiểm soát sự gia tăng nợ công cũng như trần nợ công. Trong năm ngoái, gần như cơ bản, Chính phủ không bảo lãnh thêm một dự án nào nữa, đặc biệt là các dự án của doanh nghiệp, có giải ngân các dự án bảo lãnh nhưng chỉ là các dự án đã được bảo lãnh từ trước. Thứ 3, Quốc hội đã có kế hoạch về tài chính trung hạn 5 năm, chúng ta phải kiên quyết bám sát Nghị quyết để điều hành, đặc biệt là các chỉ tiêu về bội chi, liên quan đến nợ công".

Ngày chất vấn đầu tiên nóng với vấn đề nợ công, hoạt động ngân hàng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội

"Giải pháp nữa là giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi, chúng tôi cho rằng hiện nay, chúng ta cũng kiên quyết trong giới hạn mà Quốc hội đã thông qua là 300.000 tỷ đồng cả giai đoạn cũng có vấn đề phát sinh. Trước hết, đến năm nay là năm thứ 2, Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội đến năm thứ ba là năm 2018 theo dự toán, chúng ta vẫn đang nằm trong kế hoạch. Chúng ta cũng cần bố trí trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Việc này rất quan trọng và trong kế hoạch cũng có. Tăng cường thanh tra, kiểm tra minh bạch, tài chính công, đặc biệt là kiểm soát đầu tư công, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đầu tư, đấu thầu, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán. Thời gian vừa qua, các biện pháp này, các ngành thanh tra kiểm toán, kể cả tài chính các cấp cũng đã vào cuộc. Chúng tôi cho rằng dù còn tồn tại nhưng đã từng bước khắc phục và xử lý được từng bước" - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Về câu trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về vấn đề nợ công, ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn đã có ý kiến tranh luận: "Bộ trưởng nói nhiều đến kìm hãm sự phát triển hay tăng tốc của nợ công mà chúng ta thành công trong thời gian vừa rồi. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta quan tâm đến hiệu quả của đầu tư công". Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đề nghị, song song với việc kìm hãm sự phát triển hay tăng tốc của nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nên báo cáo thêm về đầu tư hiệu quả ra sao bởi nếu không đầu tư thì không phát triển được.

Bên cạnh phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã báo cáo thêm một số nội dung thuộc về trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý thu chi ngân sách, cơ cấu lại thu chi ngân sách và đảm bảo bền vững an toàn nợ công. Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ và Thủ tướng đã triển khai, tính toán rất kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là yếu tố, quan trọng là nội dung trả nợ.

"Vì vậy, Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ nói không với xin tăng trần nợ công

Cũng trong phiên chất vấn hôm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng trả lời các câu hỏi về vấn đề chuyển giá, tình trạng hộ kinh doanh "đi đêm" với cán bộ thuế hay giải pháp kích thích sản xuất ô tô trong nước khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN xuống 0% từ năm 2018, cắt giảm thủ tục hành chính…

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Từ 63 hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế giảm còn 31% Bộ trưởng Bộ Tài chính: Từ 63 hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế giảm còn 31% Cử tri mong muốn Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời cụ thể hơn Cử tri mong muốn Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời cụ thể hơn Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đã truy thu hơn 3.000 tỷ đồng chuyển giá Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đã truy thu hơn 3.000 tỷ đồng chuyển giá

Giải pháp huy động các nguồn lực và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, lợi ích người gửi tiền

Trong lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội chiều nay (16/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã giải đáp nhiều câu hỏi mà các đại biểu và cử tri quan tâm.

Về chính sách và giải pháp huy động các nguồn lực như vàng hay ngoại tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết đây là một trong những nội dung Chính phủ đã chỉ đạo sâu sát và quyết liệt từ năm 2016.

Thống đốc Lê Minh Hưng nêu giải pháp: "Trong quá trình thực hiện, chúng tôi được giao 2 đề án là nghiên cứu các giải pháp huy động nguồn lực về vàng và giải pháp về nguồn lực ngoại tệ. Qua quá trình thực tiễn điều hành nhiều năm, chúng tôi cho rằng giải pháp căn cơ nhất và bền vững nhất, khả thi nhất sẽ báo cáo Chính phủ vào cuối năm nay là Chính phủ và các bộ ngành phải kiên định mục tiêu điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô. Qua đó củng cố giá trị của đồng Việt Nam, tạo lập lòng tin của người dân của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, người dân sẽ không bỏ vốn đầu tư vào những tài sản tài chính như vàng, ngoại tệ, chuyển sang đồng Việt Nam để gửi tiền tiết kiệm hoặc trực tiếp đầu tư trên thị trường chứng khoán, trực tiếp đầu tư kinh doanh".

Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh nếu Chính phủ kiên định với đường lối giải pháp thời gian qua, nước ta sẽ tiếp tục chuyển hóa nguồn lực để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Giải pháp nào để huy động vàng, ngoại tệ trong dân?

Trước bất an của người dân với quá trình hợp nhất, sáp nhập, mua bán một số ngân hàng 0 đồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ là trong bất cứ trường hợp nào khi xử lý các phương án đối với các tổ chức tín dụng thì mục tiêu đầu tiên là đảm bảo an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giữ được lòng tin của người gửi tiền và hệ thống ngân hàng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) nêu rằng hiện tiền ảo Bitcoin và tiền điện tử đang trở thành chủ đề nóng. "Thống đốc có đồng ý đề xuất cho Đại học FPT thu học phí sinh viên nước ngoài bằng tiền Bitcoin hay Công ty Cốc Cốc thu hút vốn đầu tư từ Đức bằng đồng tiền Bitcoin này?" - đại biểu Nhường đặt câu hỏi và cho rằng nếu quản lý được thì đây là kênh thu hút vốn đầu tư rất lớn, bắt kịp công nghệ 4.0.

Ngày chất vấn đầu tiên nóng với vấn đề nợ công, hoạt động ngân hàng - Ảnh 6.

Đại biểu Lê Công Nhường, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Trả lời câu hỏi trên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đây là vấn đề không chỉ của Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều nước cũng đang nghiên cứu việc điều chỉnh và quản lý Bitcoin. Về quan điểm của Việt Nam, Thống đốc NHNN cho biết đã có những thông cáo báo chí nói rõ: Theo quy định hiện hành, Bitcoin không phải là đồng tiền pháp định và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, tất cả các giao dịch sử dụng đồng Bitcoin làm phương tiện thanh toán là không đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thống đốc cũng cho biết NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp từ góc độ quản lý Nhà nước về tiền tệ để có cơ sở pháp lý để quản lý Bitcoin. Ông cho rằng trong xu thế phát triển hiện nay của thế giới, cần phải có một khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý các loại tài sản ảo, tiền ảo trong đó có Bitcoin.

Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời chất vấn về tiền ảo Bitcoin

Vào sáng mai (17/11), Thống đốc Lê Minh Hưng sẽ tiếp tục giải đáp các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, dự kiến từ 8h00 - 10h20. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn sẽ là thành viên Chính phủ tiếp đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước