Từ ngày 1/12/2018, tất cả bất cập trong việc xuất khẩu gạo sẽ được xóa bỏ thông qua Nghị định 107/2018/NĐ-CP (Nghị định 107) về kinh doanh, xuất khẩu gạo. Điều này đồng nghĩa, tất cả doanh nghiệp đầu mối chuyên xuất khẩu gạo, đặc biệt doanh nghiệp được tự ý xuất khẩu gạo sẽ không phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, không có giá sàn, không cần có số gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo đăng ký trong hợp đồng xuất khẩu.
Chưa đầy 1 tháng kể từ khi Nghị định 107 có hiệu lực, đã có thêm 2 doanh nghiệp chính thức được tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo. Trong thời gian tới, số lượng doanh nghiệp được xuất khẩu gạo không chỉ dừng ở con số 142 doanh nghiệp như trước đây bởi các điều kiện kinh doanh đã được nới lỏng tối đa, đặc biệt đối với các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp để cung cấp các thông tin vĩ mô cho doanh nghiệp như: số lượng gạo đã xuất khẩu, cơ cấu xuất khẩu gạo, thị trường nào đang ở mức báo động để làm cơ sở cho doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh, tránh rủi ro.
Luôn giữ vững vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, gạo Việt Nam hiện đã có mặt tại ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm khá đa dạng. Đáng chú ý, gạo Việt bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!