Nếu theo đúng quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt, các trường đại học, các khu cụm công nghiệp, các trụ sở cơ quan trong khu vực đô thị trung tâm Hà Nội sẽ được dịch chuyển ra phía ngoại thành và quỹ đất này sẽ được chuyển đổi để xây dựng các khu chức năng công cộng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các trường phổ thông và mầm non...
Đây có lẽ là bức tranh mà hầu hết người dân thủ đô nào cũng đều mong muốn. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác.
Chung cư cao tầng mọc lên san sát gây sức ép lớn lên hạ tầng đô thị.
Đường Lê Văn Lương kéo dài (Tố Hữu) chỉ vẻn vẹn 2,7 km nhưng bị nhồi nhét tới hơn 40 cao ốc 30-40 tầng với hàng chục nghìn căn hộ. Hậu quả là cả tuyến đường phía Tây thành phố trở thành "điểm đen" tắc nghẽn giao thông không thể cứu vãn của Hà Nội.
Giãn dân 20 năm vẫn giậm chân tại chỗ, trong khi dân số thủ đô hiện đã ở mức ngang dự tính của năm 2030 là 10 triệu người, tăng dân số cơ học, hạ tầng giao thông quá tải thường xuyên ùn tắc, ô nhiễm khói bụi... là những những hệ lụy đã được cảnh báo 7 năm trước nếu thành phố không nghiêm túc thực hiện đúng theo bản quy hoạch Hà Nội 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt.
Những cảnh báo đã thành hiện thực. Không ai không nhìn thấy bộ mặt đô thị trung tâm thiếu đồng nhất và bị băm nát bởi các dự án riêng lẻ. Thế nhưng, những tòa nhà cao 40-50 tầng vẫn đang tiếp tục được cấp phép và mọc lên không chỉ ở khu vực vùng lõi mở rộng mà bắt đầu dịch chuyển vào cả vùng lõi lịch sử của Thủ đô, vốn là khu phải hạn chế tầng cao và mật độ xây dựng để bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội.
Các chỉ số về diện tích đất công cộng bị lãng quên. Phải chăng việc cầm cương điều chỉnh quy hoạch của chính quyền đô thị đã bị chi phối bởi các nhà đầu tư bất động sản?
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!