Nhiều ĐBQH tán thành chủ trương giảm cán bộ cấp phó nhưng cần phù hợp với thực tế

H.T-Thứ sáu, ngày 25/10/2019 11:34 GMT+7

Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Đa số ĐBQH khẳng định, việc giảm cán bộ cấp phó ở HĐND là xu hướng tất yếu nhưng giảm như thế nào thì còn nhiều ý kiến khác nhau.

Sáng nay (25/10), trong ngày làm việc chính thức thứ 5 của kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng cấp phó của HĐND. Tuy nhiên, giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào thì ý kiến còn khác nhau. Đối với HĐND cấp huyện thì đa số ý kiến thống nhất. Đối với HĐND cấp tỉnh thì đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 Phó Chủ tịch HĐND) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đối với việc giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 Phó Trưởng ban) hoặc quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn.

Nhiều ĐBQH tán thành chủ trương giảm cán bộ cấp phó nhưng cần phù hợp với thực tế - Ảnh 1.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. (Ảnh: TTXVN)

Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn một người.

Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, dự thảo Luật dự kiến 2 phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội: Phương án 1: Giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách như tại Điều 18 và Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành. Phương án 2: quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Về số lượng Phó trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, dự thảo Luật dự kiến 2 phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội: Phương án 1: quy định Ban của HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Phương án 2: quy định HĐND cấp tỉnh có không quá 2 Phó Trưởng ban, trong đó có 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Nhiều ĐBQH tán thành chủ trương giảm cán bộ cấp phó nhưng cần phù hợp với thực tế - Ảnh 2.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng)

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng việc cắt giảm biên chế ở cơ quan dân cử là cần thiết: "Về giảm cán bộ cấp phó, đây là chủ trương của Đảng và là xu thế tất yếu nhằm mục đích tinh giảm bộ máy biên chế nhà nước. Hiện nay, việc cắt giảm biên chế đang thực hiện chung và ở nhiều bộ máy chứ không chỉ cơ quan dân cử. Dân số chúng ta phát triển dẫn đến hoạt động quản lý nhà nước mọi lĩnh vực đều tăng nhưng cán bộ công chức không tăng, như vậy cũng đã giảm biên chế rồi nhưng chúng ta vẫn đang cắt giảm 10% biên chế. Do vậy, sớm muộn chúng ta phải cắt giảm cán bộ cấp phó ở HĐND".

"Việc cắt giảm này ở giai đoạn đầu sẽ khiến việc lãnh đạo điều hành gặp một số khó khăn nhất định nhưng chúng ta phải chấp nhận để đạt mục tiêu Đảng đặt ra. Ở các nước phát triển, số lượng cấp phó rất ít và hầu như các nước chỉ có 1 cấp phó nhưng việc điều hành vẫn thông suốt và có hiệu quả" – đại biểu đoàn Đà Nẵng cho biết.

Đại biểu Ngô Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) đưa ra đề xuất mỗi tỉnh nên có 2 Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách không phụ thuộc vào chủ tịch là chuyên trách hay không chuyên trách: "Vì trong định hướng của Đảng trong việc bố trí nhân sự Đại hội, dự kiến Bí thư sẽ kiêm chủ tịch HĐND hoặc UBND và có thể đa số Bí thư cấp tỉnh là chủ tịch HĐND, trường hợp khác sẽ do Phó Bí thư thường trực, trừ Hà Nội và TP.HCM. Có những trường hợp khác là hoạt động chuyên trách thì đó là "tình huống cán bộ" không kéo dài nên tôi cho rằng cần có 2 phó chủ tịch HĐND. Trên thực tế công tác giám sát, 2 phó chủ tịch thì cần bố trí cán bộ gồm 1 cán bộ phụ trách kinh tế, đất đai và 1 cán bộ phụ trách xã hội nên 2 vị trí này cần chuyên môn sâu để thực hiện giám sát hiệu quả".

"Tôi cũng nêu suy nghĩ là trong 2 phó chủ tịch này có thể bố trí 1 Phó Chủ tịch là Phó Trưởng đoàn Quốc hội. Thứ nhất, chúng ta sẽ thực hiện được tiết kiệm nhân sự nhưng quan trọng nhất là 2 trong 1 giải quyết nhiều vấn đề. Vị này sẽ có nhiều chất liệu kiến thức, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để để đạt Quốc hội. Thứ 2, có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo triển khai cung cấp thông tin ở cơ quan dân cử địa phương nên trong tương lai, đại biểu này sẽ được gọi là chuyên trách dân cử. Nếu tham gia hoạt động địa phương càng sâu thì hoạt động càng hiệu quả, đóng góp nhiều cho địa phương và Quốc hội" – đại biểu đoàn Hà Nội nhận định.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, luật cần có độ mở nhất định đối với các thành phố lớn, các tỉnh đông dân số để đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) phát biểu ý kiến: "Tôi ủng hộ phương án quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Hà Nội và TP.HCM có vai trò đặc biệt nên các thành phố này cần có 3 Phó Chủ tịch chuyên trách nên cần phải có quy định riêng. Về số lượng Phó trưởng Ban HĐND, tôi tán thành phương án 1 quy định Ban của HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách. Trưởng, Phó Ban HĐND nên là chuyên trách. Ví dụ ở tỉnh Nam Định đã bố trí Trưởng Ban chuyên trách và các đồng chí đó đã làm tốt vai trò của mình".

Nhiều ĐBQH tán thành chủ trương giảm cán bộ cấp phó nhưng cần phù hợp với thực tế - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM)

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) cũng cho rằng không nên cào bằng giữa các tỉnh: "Chủ tịch HĐND cấp tỉnh có thể chuyên trách hoặc không chuyên trách tùy tình hình cụ thể nhưng cấp phó thì tôi nghĩ cần có 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Còn nếu Quốc hội thấy khó vì vấn đề biên chế thì không nên cào bằng giữa các tỉnh với nhau. Những thành phố lớn, những tỉnh có đông dân số, số lượng đại biểu HĐND đông nên tôi đề nghị trong luật nên có độ mở nhất định. Phó Ban HĐND cũng vậy. Như ở TP.HCM, 2 Phó trưởng Ban HĐND là cần thiết nhưng giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động các ban chuyên trách.

"Ở các ban thẩm tra, giám sát HĐND, tôi đề nghị không giảm vì cần phải nâng cao hiệu quả giám sát. Tổ chức bộ máy là một yếu tố quyết định song tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét, sửa đổi Luật giám sát để có chế tài đảm bảo thực lực thực quyền của HĐND" - Đại biểu đoàn TP.HCM nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước