Cuộc đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam cùng các nhà tài trợ, đối tác quốc tế về phòng chống tham nhũng đã diễn ra vào ngày 26/11 tại Hà Nội. Đây được coi là sự tiếp nối kết quả đã đạt được tại các hội nghị trước đó về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, khai khoáng, y tế, giáo dục...
Tại Việt Nam, năm 2014, mặc dù công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã được đẩy mạnh, nhưng kết quả thu lại vẫn chưa thực sự rõ ràng. Hàng ngàn sai phạm của các cán bộ công chức Nhà nước bị phát hiện, song số người bị buộc tội tham nhũng lại vô cùng ít ỏi, thậm chí không tới 1%.
Không chỉ vậy, việc phát hiện và buộc tội hành vi tham nhũng đã khó, nhưng tiến trình thu hồi tài sản tham nhũng lại càng khó khăn hơn. Trong cuộc đối thoại lần thứ 13 về chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tỷ lệ thu hồi tài sản trong vụ tham nhũng tại Việt Nam đang ở mức thấp, một phần lớn tài sản đã bị đối tượng tẩu tán, che giấu và tẩy rửa.
Trên thực trạng đó, vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là làm sao để tăng cường xử lý các hành vi tham nhũng đang ngày càng phố biến trong các cơ quan Nhà nước. Đây cũng chính là chủ đề sẽ được khách mời - ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ bàn luận trong chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này.
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục Trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ
Theo ông Phạm Trọng Đạt, trên thực tế, các hành vi tham nhũng với nhiều hình thức khác nhau đang diễn ra phổ biến tại nhiều cơ quan Nhà nước, tuy nhiên việc chứng minh các hành vi trên mang tính vụ lợi là điều không dễ dàng với các cơ quan điều tra.
“Không thể hiểu rằng tất cả các sai phạm đều là tham nhũng, mà phải dựa trên bằng chứng. Nhưng để chứng minh điều đó thì rất khó khăn” - ông Phạm Trọng Đạt nói.
Theo đó, ông Phạm Trọng Đạt cũng đưa ra nhiều kiến nghị giải pháp cho hoạt động chống tham nhũng hiện nay, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ông cho biết: “Có thể nói, việc chống tham nhũng có nhiều lực lượng và công cụ tham gia. Tuy nhiên, công cụ và lực lượng quan trọng nhất là phải xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bởi, đó chính là cơ sở duy nhất và quan trọng nhất để chống tham nhũng”.
“Trong những năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã hết sức nỗ lực xây dựng, sửa đổi và bổ sung trình Quốc hội rất nhiều văn bản mang tính phạm quy trong công cuộc phòng ngừa chống tham nhũng”, ông nói thêm.
Bên cạnh đó, một thực tế đang diễn ra trong hệ thống thanh tra Việt Nam là việc thanh tra công vụ và thanh tra tham nhũng còn chưa được bóc tách rõ ràng. Điều đó đã góp phần tạo ra nhiều hạn chế trong xử lý các vụ án chống tham nhũng. Vì vậy, theo ông Phạm Quốc Đạt, để giải quyết được tệ nạn tham nhũng, điều kiện quan trọng là phải tăng cường công tác thanh tra công vụ hiện nay.
“Muốn phòng chống hành vi tham nhũng tốt, dù ở địa bàn thành thị, miền núi hay nông thôn, giải pháp tốt nhất là phải tăng cường thanh tra công vụ nhằm tìm ra nhiều vi phạm, sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Điều đó góp phần phòng ngừa, hạn chế nảy sinh hành vi tham nhũng. Thêm vào đó, trong quá trình thanh tra công vụ cũng phải có sự phối hợp chuyển giao cho cơ quan chuyên sâu trong lĩnh vực này”, ông Phạm Trọng Đạt chia sẻ.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện & Bình luận qua video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.