New Delhi chìm trong khói bụi (Ảnh: Reuters)
Mới đầu buổi sáng, nhưng một màn khói bụi xám đục đã bao phủ không khí tại New Delhi, và cứ thế dày đặc lên trong ngày. Đây là tình trạng kéo dài suốt nhiều ngày qua tại thành phố 20 triệu dân của Ấn Độ. Số liệu ghi được cho thấy, chỉ số chất lượng không khí AQI tại một số nơi trong thành phố đã vượt quá 800, trong khi từ 301-500 đã là mức báo động tím, có thể gây nguy hại đến sức khoẻ. Một chỉ số khác cũng ghi nhận, chất lượng trong không khí ở New Delhi từ tháng 10 đến tháng 11 đã suy giảm 7 lần. Đầu tháng 10, nồng độ bụi mịn trong không khí là 82, trong khi đến tháng 11 đã tăng lên 553.
"Cơn bão kinh hoàng" tại "thủ đô khói bụi"
New Delhi từng bị liệt là thành phố ô nhiễm nhất thế giới – một "danh hiệu" mà không nơi nào muốn nhận. Nhưng năm nay, tình hình nghiêm trọng đến mức Thủ hiến Delhi đã phải dùng từ "phòng hơi ngạt" để nói về bầu không khí mà người dân thủ đô Ấn Độ đang phải hít thở mỗi ngày.
Theo ông Vijay Limaye, chuyên gia về biến đổi khí hậu và nghiên cứu y khoa tại Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Tự nhiên của Ấn Độ, "mức độ ô nhiễm tại New Delhi đã vượt quá thang chỉ số." Nguyên nhân là do yếu tố con người lẫn môi trường, khi những tháng cuối năm là thời điểm nông dân đốt rơm rạ để phát quang đồng ruộng chuẩn bị cho vụ mùa mới, cùng với khói bụi thải ra từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe chở khách và chở hàng. Không thể không kể đến lễ hội ánh sáng Diwali diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, với hoạt động đốt pháo hoa xuyên suốt lễ hội. Tất cả đã kết hợp và tạo thành một "cơn bão ô nhiễm kinh hoàng".
Các biện pháp chỉ mang tính tạm thời
Nhà chức trách New Delhi đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng và đưa ra các biện pháp ứng phó. Các trường học tạm thời đóng cửa, các công trình xây dựng tạm ngừng hoạt động. 5 triệu chiếc khẩu trang được phân phát để hỗ trợ người dân đối phó với ô nhiễm không khí. Biện pháp "biển số chẵn-lẻ" được áp dụng trong vòng 2 tuần, với xe biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ, nhằm giảm 1,2 triệu phương tiện lưu thông mỗi ngày tại New Delhi. Những chủ phương tiện vi phạm sẽ bị phạt 4.000 rupees, tương đương 56 USD.
Tuy nhiên, các biện pháp này được đánh giá là chỉ mang tính tạm thời trong giai đoạn cao điểm tháng 10, 11. Bởi thời gian còn lại trong năm, chất lượng không khí ở New Delhi vẫn luôn ở mức xấu, trừ vài tuần diễn ra mùa mưa.
"Ứng phó tạm thời" và "thiếu sự phối hợp" cũng là lời chỉ trích của Toà án tối cao Ấn Độ trước tình trạng ô nhiễm không khí tại New Delhi. Đây là nơi đã ban bố lệnh cấm nông dân đốt rơm rạ, tuy nhiên, sự quản lý thiếu sát sao của nhà chức trách các bang được cho là đã khiến lệnh cấm không phát huy đúng tác dụng của nó.
Ô nhiễm không khí – Vấn đề của Ấn Độ, vấn đề của thế giới
New Delhi chỉ là 1 trong số 22 thành phố của Ấn Độ nằm trong danh sách 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Những gì Ấn Độ đang phải đối mặt chính là tấm gương phản chiếu một xu hướng toàn cầu không mong muốn, về mức độ ô nhiễm không khí gia tăng. Khói bụi càng nhiều, sức khoẻ càng giảm.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí có liên quan đến đau tim, bệnh hen suyễn, tiểu đường và ung thư gan. Tệ hơn nữa, thời gian tiếp xúc với không khí ô nhiễm, dù trong ngắn hạn, cũng có thể gây ra những hậu quả lâu dài. Tại New Delhi, việc hít thở khói bụi tương đương với hút 25 điếu thuốc mỗi ngày, góp phần vào việc gây ra 7 triệu ca chết yểu trên toàn cầu do ô nhiễm không khí.
New Delhi có thể trở thành Bắc Kinh thứ 2 trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí?
Một làn sóng kêu gọi Ấn Độ có những giải pháp mạnh mẽ và khả thi để cải thiện chất lượng không khí đang ngày càng lan rộng, trong đó có ý kiến là học tập thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Bắc Kinh đã được loại khỏi danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, xếp sau New Delhi 8 bậc, bằng các biện pháp xử lý tận gốc rễ vấn đề, như phân loại nguồn gốc các chất gây ô nhiễm không khí, từ đó có biện pháp xử lý thích hợp. Chẳng hạn như, với khói thải từ các công xưởng và sinh hoạt của người dân, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm đốt than, đóng cửa các nhà máy gần thủ đô.
Tuy nhiên, theo tờ India Today, việc New Delhi có thể trở thành Bắc Kinh thứ 2 trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí hay không là một bài toán khá nan giải và cần có thời gian, bởi Bắc Kinh đã lên một kế hoạch lâu dài, mang tính phòng ngừa về sau; trong khi những thành phố như New Delhi lại thường áp dụng mô hình giải quyết hậu quả, như tạm thời đóng cửa trường học hay áp dụng biển số xe chẵn-lẻ.
Một nguyên nhân nữa là do thiếu triệt để trong việc xử lý đốt rơm rạ. Lệnh cấm chưa phát huy hiệu quả bởi các mức phạt chưa được áp dụng nghiêm ngặt, cũng như việc nhà chức trách thiếu giải pháp hỗ trợ máy móc giúp nông dân xử lý rơm rạ, và chưa thể thay đổi nhận thức người nông dân.
Trong lúc này, người dân New Delhi chỉ có thể tự cứu lấy mình bằng việc mua máy lọc không khí. Nhiều hộ gia đình chi tới 25.000 rupees, tương đương 352 USD cho khoản này - một mức chi tiêu đáng kể đối với tiêu chuẩn tại Ấn Độ. Và có lẽ các nhà sản xuất và người bán máy lọc không khí là những người duy nhất có thể mỉm cười trong tình trạng không khí hiện tại ở thủ đô New Delhi.
(Theo TIME, CNN, INDIA TODAY)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!