Phá rừng làm thủy điện: Không có phương án trồng bù

Nguyễn Sơn - Quang Hạnh -Thứ tư, ngày 11/12/2013 18:20 GMT+7

 Diện tích rừng trồng thay thế hiện chỉ đạt gần 3,7% tổng diện tích rừng đã bị phá để làm thủy điện. Lý do được các địa phương đưa ra khi không thể truy cứu trách nhiệm các chủ dự án thủy điện là chưa có thông tư hướng dẫn.

Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, diện tích rừng trồng bù thay thế chỉ đạt gần 2,1%. Có thể có sự khác biệt về con số giữa hai cơ quan quản lý Nhà nước, tuy nhiên có thể khẳng định một điều chắc chắn, các chủ dự án thủy điện đã không thực hiện Nghị định của Chính phủ về trồng rừng thay thế sau khi đã phá hàng trăm nghìn ha rừng để xây thủy điện. Lý do được các địa phương đưa ra khi không thể truy cứu trách nhiệm các chủ dự án thủy điện là chưa có thông tư hướng dẫn.

Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Yên Bái có 10 thủy điện vừa và nhỏ được đầu tư xây dựng. Tổng diện tích đất rừng bị phá đi để nhường chỗ cho 10 thuỷ điện này là khoảng 176ha. Theo Nghị định 23/2006 của Chính phủ, chủ đầu tư các thủy điện này phải trồng bù 176 ha rừng, nhưng tới thời điểm này, chưa có một mét vuông rừng nào được trồng lại ở Yên Bái.

Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Yên Bái cho biết: “176ha này đã có quyết định thu hồi đất, nhưng chưa có cơ sở hướng dẫn để các thủy điện phải thực hiện nghĩa vụ. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành NN-PTNT phối hợp với các ngành có liên quan yêu cầu các chủ đầu tư căn cứ vào diện tích thu hồi, chuyển đổi phải cam kết thực hiện chuyển đổi trồng lại bù các diện tích đó”.

‘ Chủ đầu tư thủy điện không chịu trồng lại rừng. Cơ quan quản lý im tiếng. Ảnh: VNN

Tại tỉnh Phú Yên, tình hình cũng không khá hơn. Ba nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’Năng đã lấy đi ít nhất 1000 ha rừng tự nhiên, nhưng thống kê của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Phú Yên cho thấy, diện tích rừng trồng thay thế chỉ đạt trên dưới 3% tổng diện tích rừng đã lấy đi.

Ông Huỳnh Xuân Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Phú Yên cho biết: “Các công ty họ chưa chủ động trong vấn để triển khai trồng lại rừng theo phương án, theo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt. Thứ hai là chưa chủ động tìm nguồn đất, nguồn vốn để chủ động trong triển khai công tác trồng rừng. Các công ty cũng không có cán bộ chuyên môn về lâm nghiệp nên vấn đề tìm quỹ đất, xúc tiến trồng rừng cũng khó”.

Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, mặc dù trách nhiệm trồng rừng thay thế là bắt buộc đối với các dự án thủy điện, nhưng trong nhiều năm qua, hầu hết các chủ đầu tư đều trốn tránh trách nhiệm, thậm chí không nộp phí dịch vụ môi trường rừng mà không ai bị truy cứu trách nhiệm. Nguyên nhân là bởi Nghị định 23 về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng được ban hành từ tháng 3/2006 nhưng hơn 7 năm mới có Thông tư hướng dẫn.

Viện Quản lý rừng bền vững còn đặt ra một vấn đề lớn hơn, đó là một phần đáng kể rừng bị phá phục vụ thủy điện là rừng tự nhiên có giá trị lớn về lâm sản và sinh thái. Tuy nhiên, pháp luật chỉ quy định thủy điện lấy mất bao nhiêu diện tích rừng thì phải trồng lại bấy nhiêu. Còn giá trị những diện tích rừng bị thu hồi này thì chưa có văn bản pháp luật nào quy định. Ngay cả Thông tư số 24 vừa được ban hành tháng 5 vừa qua cũng không quy định vấn đề này.

Nghiên cứu của Viện Quản lý rừng bền vững cho thấy, tình trạng hạn hán, lũ lụt diễn biến bất thường trong thời gian qua có liên quan tới việc chặt phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn để làm thủy điện. Vì vậy, nếu chủ đầu tư chưa bố trí kinh phí trồng rừng thay thế trong tổng mức đầu tư dự án thì không nên cho triển khai dự án. Đồng thời phải xác định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc xây dựng đơn giá, bố trí quỹ đất để trồng rừng thay thế.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước