Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật

Trung Kiên-Thứ năm, ngày 17/07/2014 19:24 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải đảm bảo tính kịp thời, đúng tiến độ, không để chậm trễ, không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chức năng xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách của Chính phủ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Trong hai ngày hôm qua 16/7 và hôm nay 17/7, Chính phủ đã tiến hành phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét các báo cáo thẩm định và thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật Dân số; dự án Luật Kế toán (sửa đổi) và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chức năng xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, của Chính phủ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước muốn đi vào cuộc sống phải được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng luật pháp, bằng cơ chế, chính sách. Luật pháp có tốt, đúng, phù hợp thì công tác quản lý điều hành của Nhà nước sẽ hiệu lực, hiệu quả và ngược lại. Thủ tướng nhấn mạnh, bảo đảm tính kịp thời, đúng tiến độ, không để chậm trễ, không để nợ đọng văn bản; đồng thời đảm bảo chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật, đó là tính hợp pháp, hợp hiến, khả thi.

Xác định rõ vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan hành pháp và cơ quan chấp hành của Quốc hội là ý kiến của các thành viên Chính phủ trong thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) như vị trí, chức năng của Chính phủ; vị trí và chức năng của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;… Các ý kiến cũng đề nghị trong xây dựng dự án luật cần bám sát hơn nữa vào tinh thần và các quy định cụ thể của Hiến pháp; thể hiện rõ hơn quy định về sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ chung; sự phân cấp, phân quyền trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước; đề cao sự chủ động của các thành viên Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành…

Thảo luận Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, ý kiến phát biểu của nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, dự án luật cần bám sát, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về chính quyền địa phương; bảo đảm được sự thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, phát huy dân chủ. Các thành viên Chính phủ cũng tập trung làm rõ những vấn đề lớn của dự án luật như về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức và tên gọi cơ quan hành chính quận, phường; mô hình đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm thành viên UBND các cấp.

Cho ý kiến về những định hướng lớn trong xây dựng dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến phát biểu, đóng góp ý kiến của các thành viên Chính phủ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hai dự án luật này trên tinh thần bám sát Hiến pháp, thực tiễn và kế thừa các luật hiện hành.

Cũng tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã Thảo luận về Dự án Luật Dân số, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các thành viên Chính phủ cũng nghe báo cáo, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước