Báo cáo của Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, tăng trưởng GDP của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 7,5%; sản xuất công nghiệp tăng 8,5% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách đạt 1.649 tỷ đồng (đạt 97% dự toán giao); sản xuất nông nghiệp bảo đảm đúng kế hoạch, không để xảy ra dịch bệnh lớn; quốc phòng-an ninh được giữ vững; văn hóa-xã hội và an sinh từng bước được nâng cao...
Trong năm nay, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 12.400 người, đào tạo nghề cho 10.125 người, xây mới 50 nhà tình nghĩa, tặng 200 sổ tiết kiệm, cho vay sản xuất được 4.898 hộ nghèo và 3.084 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 còn 18,7%. Toàn tỉnh có 149 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn 1.103 tỷ đồng, đến nay có 398 dự án đầu tư, trong đó có 30 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài...
Tuy nhiên, tỉnh Hòa Bình cũng nghiêm túc chỉ ra những yếu kém, khó khăn cần khắc phục. Trong 9 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng và đầu tư toàn xã hội đạt thấp, sức mua phục hồi chậm; việc làm và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa được cải thiện nhiều, nhất là vùng sâu vùng xa; kết cấu hạ tầng giao thông thấp kém, ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của tỉnh, vẫn còn đến 30% trường lớp học và 50% nhà công vụ cho giáo viên chưa được kiên cố; phần lớn trạm y tế xã chưa được đầu tư xây dựng; các tệ nạn xã hội như vận chuyển, buôn bán ma túy còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, tác động xấu đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; số người nghiện ma túy toàn tỉnh là 2.200 người, hai xã Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu) vẫn là “điểm nóng” ma túy phức tạp…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đạt được trong thời gian qua. Đây là nền tảng cơ bản cho tỉnh thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh còn hạn chế; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh và ứng dụng công nghệ thông tin có tiến bộ nhưng không cao so với các địa phương khác; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (35%), tỷ lệ hộ nghèo còn cao (gần 19%), chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh để thay đổi quy mô kinh tế...
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, tỉnh Hòa Bình cần nghiên cứu, tập trung xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp; có giải pháp cụ thể và hiệu quả về nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát lại chính sách dân tộc (tái cơ cấu các nông lâm trường, chăm lo đời sống học sinh dân tộc thiểu số...); tạo liên kết phát triển giữa các khu vực trong tỉnh cũng như các tỉnh bạn; quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo; quán triệt và thực hiện các giải pháp đồng bộ trong phòng, chống ma túy...