Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ đón. (Ảnh: TTXVN)
Tiếp tục đạt được sự tin cậy chính trị, hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư phát triển và mở rộng thêm nhiều lĩnh vực khác, giao lưu nhân dân ngày càng gắn bó thân thiết… những mục tiêu đó nhằm đẩy mạnh toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc đã được thể hiện qua kết quả hội đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Park Geun Hye và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Hàn Quốc và việc ký nhiều văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước Hàn Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị người đứng đầu Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Chính phủ Hàn Quốc đã đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với tình cảm chân tình và sự trọng thị cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992. Đây là thời điểm những năm đầu Việt Nam đang thực hiện chính sách "Đổi mới" và Hàn Quốc đang thực hiện chính sách "Ngoại giao phương Bắc". Cách đây 5 năm, vào năm 2009, hai nước đã nâng cấp quan hệ thành Đối tác hợp tác chiến lược. Thời gian Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác với nhau chưa phải là quá dài nhưng rõ ràng nhìn vào những kết quả đã đạt được thì như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “cách đây 22 năm, có lẽ chưa ai có thể hình dung được kết quả phát triển nhanh chóng và tốt đẹp của quan hệ Việt-Hàn như ngày hôm nay”. Nhiều con số ấn tượng đã nói lên điều này: Hàn Quốc đang là nước đứng đầu về số lượng dự án, gần 3700 dự án với tổng số vốn hơn 31 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư và là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Vào thời điểm 2 nước kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao cách đây 2 năm, hai nước chỉ đặt mục tiêu thương mại song phương đạt 20 tỷ USD vào năm 2015, chỉ đến năm 2013 con số này đã tăng lên gần 28 tỷ USD vượt xa cả về thời hạn lẫn số lượng mà mục tiêu đặt ra.
Hàn Quốc cũng là đối tác cung cấp ODA song phương lớn thứ 2 của Việt Nam với cam kết 1,2 tỷ USD. Những năm gần đây, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đánh giá rất cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực, là một trong hai nước đối tác quan trọng nhất của Hàn Quốc trong các nước ASEAN. Ngay sau khi nhậm chức vào năm ngoái, Việt Nam là nước thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc và là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên Tổng thống Park Geun Hye đã chọn trong chuyến công du nước ngoài cấp Nhà nước của mình.
Ông Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nói: “Sở dĩ có một thành tựu quan hệ như vậy vì trước hết 2 nước có lòng tin chính trị ngày càng được bồi đắp. Cả hai nước đều nhận thức rất rõ tiềm năng hợp tác của nhau, hai nước đều trong giai đoạn chuyển đổi của một nước phát triển và một nước đang phát triển nên đều có cơ hội để thúc đẩy hợp tác. Một yếu tố có ý nghĩa hết sức quan trọng là hai nước đều rất mong muốn nỗ lực hợp tác và đó là những yếu tố chính để quan hệ hai nước thời gian qua có bước phát triển nhanh như vậy”.
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng đạt đến độ tin cậy chính trị cao, chỉ tính riêng trong hai năm 2013 khi Tổng thống Hàn Quốc sang thăm Việt Nam và trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư sang Hàn Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc đã hai lần ra Tuyên bố chung.
Hai nhà lãnh đạo cao đạt được sự đồng thuận và thống nhất sự cần thiết đẩy mạnh toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược từ chính trị, kinh tế thương mại đầu tư đến an ninh quốc phòng. Hàn Quốc không chỉ chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển đất nước mà còn tăng cường đầu tư vào Việt Nam, chú trọng dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Bà Tổng thống Park Geun Hye đã nói với Tổng Bí thư rằng đích thân bà sẽ trực tiếp kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam.
Trong kinh tế, thương mại, hai bên cũng đề cập những nền tảng cơ bản cho sự phát triển trước mắt và lâu dài. Tới đây, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ở mức cao hơn nhằm hướng tới mục tiêu cân bằng cán cân thương mại, tạo điều kiện cho hàng hóa hai nước xuất khẩu thuận lợi
Tổng thống Park Geun Hye nói: “Hai nhà lãnh đạo nhận đinh rằng Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc góp phần hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD năm 2020, FTA sẽ trở thành chất xúc tác phát triển trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, năng lượng. Hai nhà lãnh đạo thống nhất thúc đẩy tiến trình đàm phán thương mại tự do hai nước được hoàn tất trong năm nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: ”Nhân chuyến thăm này, Bà Tổng thống và tôi đã nhất trí ra Tuyên bố chung 7 điểm nhằm củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ chính trị tin cậy; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác về kinh tế-thương mại, tăng cường tính bổ sung, tương trợ, kết nối lâu dài giữa hai nền kinh tế để phục vụ tốt hơn cho mục tiêu phát triển của mỗi nước; mở rộng hợp tác, giao lưu trên các lĩnh vực khác giữa hai nước. Nhân dịp này, tôi một lần nữa khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc là một trong những ưu tiên lâu dài, nhất quán trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.
Những năm gần đây, các tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc đều đã hiện diện ở Việt Nam với quy mô đầu tư ngày càng lớn. Tại các cuộc tiếp kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chủ tịch tập đoàn lớn hàng đầu của nước này như Samsung, Keangnam, CJ, Hyosung, Charmvit đều khẳng định mong muốn làm ăn lâu dài và ổn định ở Việt nam.
Ngay trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân trao giấy phép cho Tập đoàn Samsung dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử với quy mô 1,4 tỷ USD tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các bộ ngành hai nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, vay vốn cho Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và đầu tư và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc Korea Eximbank đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phối hợp các nguồn tài chính với tổng số vốn 12 tỷ USD dành cho các lĩnh vực ưu tiên trọng điểm của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh nói: “Bản Ghi nhớ rất quan trọng, mở ra một kênh vốn mới song song với kênh vốn hỗ trợ ODA của Hàn Quốc. Đây là kênh tín dụng rất quan trọng với lãi suất ưu đãi kèm theo với giá trị trong 3 năm khoảng 12 tỷ USD. Đây cũng chỉ là khởi đầu và trong giai đoạn tiếp theo, Hàn Quốc có thể tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ở mức cao hơn, chủ yếu để xây dựng kết cấu hạ tầng lớn của Việt Nam.
Đây là nguốn vốn rất quan trọng của Việt Nam trong thời điểm hiện nay, giúp Việt Nam đa dạng hóa nhiều kênh vốn khác nhau để xây dựng kết cấu hạ tầng. Có thể nói, nguồn vốn này cộng với những tập đoàn mạnh của Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, tôi nghĩ rằng trong thời gian tới việc xây dựng kết cấu hạ tầng lớn, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị lớn của Việt Nam sẽ được cải thiện, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nói: “Sau chuyến cùng tháp tùng với Tổng Bí thư, đặc biệt sau khi làm việc với Bộ Lao động, tôi thấy có những tiến triển tốt. Chuyến thăm này nâng tầm quan hệ hữu nghị mật thiết hai nước, khả năng việc thực hiện lao động chúng ta sang Hàn Quốc đến tháng 12, ký được thỏa thuận bình thường”.
Tại các cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những nhà lãnh đạo cao cấp khác của Hàn Quốc như Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội hay Chủ tịch Đảng cầm quyền Sanuri, các bên đều nhất trí tăng cường các cuộc trao đổi cấp cao giữa chính phủ, quốc hội, chính đảng hai nước và đẩy mạnh các kênh đối thoại hiện có.
Hiện nay, hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam là hợp tác giữa hai nước cùng trong quá trình chuyển đổi để bước vào chu kỳ phát triển mới, giữa một nước công nghiệp phát triển với một nước đang phát triển đang tiến hành công nghiệp hoá, do đó có thể góp phần bổ sung cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Do vậy, Việt Nam và Hàn Quốc đã đi đến thống nhất một điểm rất quan trọng đó là củng cố lại cơ chế ủy ban liên chính phủ hiện nay,với mục đích không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, thương mại, phát triển du lịch… mà còn phải hoạch định chiến lược dài hạn và điều phối tổng thể các hoạt động hợp tác, đồng thời xây dựng các chính sách phù hợp để kết nối thành công hai nền kinh tế
Ông Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nói: “Các cuộc hội đàm, hội kiến diễn ra hết sức cởi mở chân thành, thiết thực và rất hiệu quả. Có thể nói, mục tiêu chúng ta đặt ra là làm sâu sắc hơn, tức là chúng ta đi vào chiều sâu, có chất lượng những lĩnh vực mà hợp tác đang có thế mạnh và đồng thời mở ra những lĩnh vực hợp tác khác phong phú hơn, như vậy, mục tiêu chúng ta đặt ra trong chuyến thăm lần này là rất tốt” .
Việt Nam cũng là một trong những nước được Hàn quốc coi trọng vị thế và vai trò trong khu vực, trong đó có lĩnh vực an ninh quốc phòng, bảo đảm hòa bình. Quan điểm của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế cũng đã được thể hiện rõ nét qua Tuyên bố chung, trong đó có đề cập 2 lĩnh vực hòa bình ở bán đảo Triều Tiên và các tranh chấp trên biển. Việt Nam khẳng định lại sự ủng hộ các sáng kiến của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, thiết lập nền hòa bình bền vững hướng tới tái thống nhất hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy hòa bình, hợp tác Đông Bắc Á. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn trên biển và tự do hàng hải; công nhận sự cần thiết đối với các bên liên quan giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện DOC 2002 và cùng xây dựng để sớm thông qua COC.
Quan điểm này đã được Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh khi phát biểu với các giảng viên, sinh viên trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc. Tổng Bí thư đã chia sẻ nhiều ý kiến về tình hình quốc tế và khu vực với hai vấn đề hoà bình và phát triển. Tổng Bí thư phân tích không phải là không có những thách thức đặt ra cho các quốc gia, đó là xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo. Tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á, tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến ngày càng căng thẳng, phức tạp.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Để bảo đảm hoà bình và an ninh chung, chúng ta cần phấn đấu xây dựng một trật tự quốc tế mà trong đó các quốc gia thực sự bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết mọi tranh chấp thông qua đàm phán và các biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đối với khu vực Đông Á, trong bối cảnh tầm quan trọng về địa chính trị-kinh tế cũng như nguy cơ mất ổn định ngày càng gia tăng thì việc tuân thủ các nguyên tắc trên cũng như việc thúc đẩy hình thành các thoả thuận và cơ chế để bảo đảm hoà bình, an ninh chung và ngăn ngừa xung đột lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”.
Giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương cũng là một trong những mục tiêu đặt ra trong mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược để mối quan hệ này thực sự phát triển ngày càng bền vững và gắn kết cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Thành phố Busan thành phố lớn thứ hai chỉ sau Seoul, ngay từ năm 1995, chỉ 3 năm sau thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, thành phố này đã ký kết hợp tác đặc biệt với thành phố Hồ Chí Minh – đầu tầu kinh tế của Việt Nam. Hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh chiếm một nửa tổng số doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam. Đây cũng là một minh chứng cho làm sóng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc hướng đến Việt Nam
Thị trưởng Thành phố Busan Suh Byung Soo nói: “Hiện nay Hàn Quốc có vị thế nhất định về kinh tế, giáo dục với các nước trong khối ASEAN, đặc biệt Việt Nam là nước phát triển rất mạnh trong khu vực. Vì thế, hiện nay, hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam đang được thúc đẩy rất mạnh trong đó giữa Busan và TP.HCM cũng đang thúc đẩy hợp tác đa dạng trên tất cả các lĩnh vực từ van hóa giáo dục cho đến kinh tế”.
Một điểm đặc biệt góp phần gắn kết sự phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hàn Quốc là mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước, hiện nay, có 50.000 gia đình Việt Nam - Hàn Quốc, như lời bà Park Geun Hye đã từng nhận xét các gia đình này đã tạo nên một xã hội Hàn Quốc đa dạng hơn, sung túc hơn và đây chính là nền tảng nền tảng xã hội rất quan trọng cho cả hiện tại và tương lai. Tại thành phố Busan cách đây 12 năm đã thành lập Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam, những hội viên đến với nhau tự nguyện, làm nhiều việc tự nguyện để hỗ trợ, giúp đỡ những người Việt Nam khi đến Hàn Quốc, chỉ vì một tình cảm đặc biệt với Việt Nam.
Ông Park Kwang Joo, Chủ tịch Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam – TP Busan nói: “Tại Hàn Quốc chúng tôi có rất nhiều người dân khâm phục quá trình thống nhất của Việt Nam, mặc dù khó khăn nhưng đã thống nhất thành công và sau quá trình đó cả một quá trình phát triển của Việt Nam cũng rất ấn tượng với những người Hàn Quốc. Hội VESAMO chúng tôi ra đời trong hoàn cảnh đó là sự tập hợp những người dân Hàn Quốc yêu mến Việt Nam. Có lẽ ấn tượng nhất là cứ hàng năm vào dịp 30/4, chúng tôi cử người sang Việt Nam để cùng nhân dân Việt Nam chúc mừng ngày thống nhất”.
Nhiều kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quá trình vượt lên sự tàn phá của chiến tranh và sự nghèo khó để hiện đại hóa và phát triển kinh tế trong một thời gian ngắn đã và đang trở thành một mô hình để Việt Nam tham khảo. Hiện tại, quá trình tiếp tục đổi mới của Việt nam diễn ra cùng lúc với việc Hàn Quốc bước vào chu kỳ phát triển mới cùng những điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử, tâm lý xã hội đang mở ra những cơ hội to lớn cho việc làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước. Dẫn tục ngữ của Hàn Quốc: dù chỉ là một trang giấy nếu hai người cùng mang thì sẽ nhẹ hơn, Tổng thống Park Geun Hye hy vọng hai nước sẽ tiếp tục hợp tác cùng có lợi trong tương lai như những người bạn chân thành để giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, đồng thời là đối tác để cùng nhau mở ra một tương lai đầy hy vọng.