Hiện nay, thông tin về những cuộc thi nhan sắc trong nước được đăng tải tràn lan và nhiều vô kể. Công chúng chỉ cần tìm kiếm từ khóa "cuộc thi hoa hậu", "hoa hậu 2017", "hoa khôi 2017" sẽ hiện ra hàng loạt tên các cuộc thi nhan sắc khác nhau.
Trong thời gian qua, đã có nhiều cuộc thi được tổ chức, trong đó có những cuộc thi mang tầm quốc gia như Hoa hậu Đại dương, Hoa hậu Hoàn vũ, cũng có cuộc thi mang tính quốc tế như Hoa hậu Hòa bình thế giới. Ngoài ra, một số cuộc thi nhan sắc khác như Nữ hoàng trang sức Việt Nam, Hoa hậu doanh nhân hoàn vũ 2017... cũng được diễn ra rầm rộ. Nhiều cuộc thi đang được tổ chức có danh xưng tìm kiếm "hoa hậu", "hoa khôi" và được quảng bá là mang tầm cỡ toàn quốc khiến công chúng trở nên hoang mang, không biết đâu mới là cuộc thi "ao làng", đâu là cuộc thi mang tính quốc gia.
Ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, theo Nghị định 79 và Nghị định 15/2016 thì những cuộc thi người đẹp toàn quốc quy định tổ chức 2 năm/lần, đối với những cuộc thi mang tầm quốc tế thì tùy theo điều kiện của từng năm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ xem xét để quyết định. Nhưng các cuộc thi toàn quốc và quốc tế cũng như các cuộc thi người đẹp địa phương sẽ có những khác biệt rõ ràng về quy mô, phạm vi tổ chức. Theo dữ liệu thống kê quản lý, trong năm 2017 cho đến nay chỉ có 2 cuộc thi Hoa hậu toàn quốc; 02 cuộc thi hoa hậu quốc tế; 02 cuộc thi Hoa khôi khu vực và 4 cuộc thi phạm vi tỉnh, thành phố đã được tổ chức. Như vậy có bài báo nêu có 20 cuộc thi lớn nhỏ được tổ chức ở trong nước, trong đó tổng hợp cả các cuộc thi tổ chức ở nước ngoài là hoàn toàn không chính xác.
Ông Minh Tuấn cho biết: "Đối với những cuộc thi người đẹp được tổ chức trong nước thì tất cả các nữ công dân Việt Nam trong nước có thể tham gia, còn cuộc thi mang tầm quốc tế được tổ chức tại Việt Nam thì chỉ có 1 đại diện của Việt Nam tham gia mà thôi. Những hoạt động như thé cũng có những mặt tốt, có thể giúp quảng bá được danh lam thắng cảnh, văn hóa, hình ảnh của địa phương... Nói về số lượng các cuộc thi hoa hậu được cấp phép thì các cơ quan vẫn thực hiện theo các quy định".
Về cơ bản, trong năm nay, tại Việt Nam vẫn chỉ được tổ chức 2 cuộc thi mang tầm quốc gia và được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép là cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 và cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017.
Nói thêm về trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng đối với các cuộc thi người đẹp, nếu Ban tổ chức các cuộc thi làm sai quy định thì sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào, ông Minh Tuấn cho hay, đối với những cuộc thi nhan sắc được Cục cấp phép tổ chức thì sẽ phải tuân thủ theo đúng quy định, làm đúng như Đề án đã được duyệt như nội dung, kịch bản, hồ sơ thí sinh, thông tin thời gian, địa điểm tổ chức... "Cục sẽ thường xuyên phối hợp cùng với thanh tra Bộ, thực hiện các khâu giám sát để Ban tổ chức thực hiện đúng theo đề án. Ngoài ra, các cơ quan địa phương cũng là đơn vị trực tiếp giám sát và quản lý" - ông Tuấn cho biết.
Liên quan đến vụ việc nhan sắc của Hoa hậu Đại dương 2017 Ngân Anh bị "tố" đã từng trải qua "dao kéo" và không xứng tầm hoa hậu, dư luận cho rằng khâu sàng lọc thí sinh còn quá lỏng lẻo, chỉ dựa vào bản đăng ký của thí sinh và nhân trắc học thì sẽ không đủ để phát hiện ra được những thí sinh từng sử dụng "dao kéo" để thay đổi diện mạo.
Trước thông tin này, ông Minh Tuấn cho biết, xét về mặt quy trình thì tất cả các cuộc thi nhan sắc sẽ có bộ phân nhân trắc học để giúp Ban tổ chức sàng lọc những thí sinh đáp ứng được thể lệ trước khi tham dự cuộc thi. Ngoài ra, ban tổ chức cũng sẽ thông qua các biện pháp, các cơ sở y tế uy tín tại Việt Nam để kiểm tra, phát hiện thí sinh từng qua phẫu thuật thẩm mỹ. Nếu xảy ra sai sót trong khâu sàng lọc thí sinh hay tình trạng vi phạm thì Ban tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!