Một trong những dự thảo luật, vốn không nằm trong chương trình dự kiến hồi đầu kỳ họp, cuối cùng đã được đa số đại biểu Quốc hội thống nhất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 là Luật biểu tình.
Đề xuất đưa dự án luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 này đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên tại nhiều phiên thảo luận bởi lý do, nhu cầu biểu thị tình cảm của người dân về một vấn đề nào đó là một nhu cầu chính đáng, đã được thừa nhận trong Hiến pháp.
Ông Đỗ Văn Đương, Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh cho biết: "Luật biểu tình ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý, quy định về chủ đề biểu tình, nội dung biểu tình, nơi chốn, quy mô người biểu tình, biểu tình ở đâu và khi nào, có trật tự, thông qua các tổ chức đoàn thể, như thế là sẽ ngăn ngừa được tất cả những trường hợp quá khích, để đập phá, trộm cắp tài sản, gây hại cho các doanh nghiệp. Mà phải như thế, thì mới có chỗ để nhân dân ta thể hiện lòng yêu nước, quyết liệt, đấu tranh quyết liệt, nhưng đồng thời cũng là ôn hòa, trật tự, thể hiện sự chính nghĩa, thể hiện cách xử sự có văn hóa và đúng cách của người dân Việt Nam".
Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nói: "Luật biểu tình là yêu cầu hết sức bức thiết, mà trong hiến pháp năm 1992 đã quy định, nhưng chúng ta chưa cụ thể hóa, bởi nhu cầu biểu tình của nhân dân là có thực, cái thứ hai là nếu chúng ta không có luật biểu tình thì người dân vẫn cứ biểu tình, mà họ lại vi phạm pháp luật, cho nên phải tổ chức cho họ biểu tình".
Theo chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015, Dự án Luật biểu tình sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 10 vào năm 2015 .
Bên cạnh dự án luật biểu tình, còn có thêm 3 dự án luật khác là dự án luật Trưng cầu dân ý, Luật về lập Hội, Luật về Tiếp cận thông tin cũng đã được Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2015.
Chương trình xây dựng luật pháp lệnh khóa 13, từ nay đến cuối khóa rất nặng, theo dự kiến thì Quốc hội sẽ phải thảo luận, cho ý kiến và thông qua hơn 40 luật và pháp lệnh. Điều này cho thấy Quốc hội mong muốn sớm được cụ thể hóa chương 2 của hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, để những quy định này sớm được cụ thể hóa và thực thi trong thực tế.