Quốc hội họp trực tuyến: Tiết kiệm chi phí nhưng giảm tương tác?

H.T-Thứ sáu, ngày 22/05/2020 10:02 GMT+7

VTV.vn - Lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm Quốc hội Việt Nam tiến hành họp trực tuyến. Các đại biểu Quốc hội đánh giá như thế nào về hình thức mới mẻ này?

Quyết định đúng trong bối cảnh dịch bệnh

Một trong những điểm đặc biệt tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV là việc tiến hành họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 điểm cầu trực tuyến của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời từ ngày 20/5/2020 đến ngày 04/6/2020. Đây là một trong những giải pháp mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

Trong ngày khai mạc kỳ họp (20/5), thông qua sóng truyền hình của VTV, khán giả cả nước đã được theo dõi hình ảnh trực tiếp từ các điểm cầu và tới đây, tại các phiên thảo luận kinh tế - xã hội, cử tri sẽ có cơ hội được lắng nghe những ý kiến, tranh luận từ các đại biểu trên toàn quốc.

Về biểu quyết, các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên Ipad để biểu quyết. Kết quả biểu quyết sẽ được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng.

Mặc dù, các đại biểu không họp tập trung nhưng việc đăng ký phát biểu, cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội vẫn được duy trì và bảo đảm thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng. Theo đó đại biểu Quốc hội có thể truy cập ứng dụng Quốc hội để tra cứu Văn kiện tài liệu hoặc Thư viện số để tìm kiếm và sử dụng tài liệu tham khảo của Kỳ họp thứ 9. Đại biểu Quốc hội có thể gửi câu hỏi, yêu cầu cung cấp thông tin và nhận kết quả trực tiếp trên hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến của Thư viện Quốc hội.

Trao đổi với phóng viên VTV News, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) nhấn mạnh, việc tổ chức họp trực tuyến trong thời gian này là đúng đắn: "Trong bối cảnh Quốc hội phải thực hiện nhiệm vụ mà dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nếu các đại biểu cùng về đây, tôi nghĩ rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đúng về vấn đề họp trực tuyến để đáp ứng đúng yêu cầu của việc triển khai một kỳ họp Quốc hội. Việc phát biểu hay đăng ký phát biểu không có khó khăn nào cả. Tôi nghĩ đây cũng là lần rút kinh nghiệm để có thể triển khai tốt các cuộc họp khác của Quốc hội cũng như của Chính phủ".

Quốc hội họp trực tuyến: Tiết kiệm chi phí nhưng giảm tương tác? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận)

Cùng quan điểm trên, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng Quốc hội áp dụng công nghệ rất hiệu quả trong việc họp trực tuyến: "Tình thế đẩy chúng ta vào một bối cảnh buộc phải thực hiện họp Quốc hội vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Tôi nghĩ rằng sự phối hợp của việc tổ chức này rất có hiệu quả. Tôi hy vọng ở các kỳ họp Quốc hội sau, có thể có một số phiên họp trực tuyến để hướng tới phương thức làm việc hiện đại".

"Tôi rất mừng vì với sự chuẩn bị chu đáo của Văn phòng Quốc hội, chúng ta đã bắt đầu kỳ họp trực tuyến rất chuyên nghiệp. Đây là mô hình thích hợp để mở rộng các hoạt động của Quốc hội cũng như các cơ quan khác trên cơ sở ứng dụng các công nghệ hiện đại" - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ ý kiến.

Họp trực tuyến: giảm chi phí, giảm cả tương tác

Với hình thức họp trực tuyến, thay vì phải di chuyển và ở lại Hà Nội nhiều tuần, các đại biểu trên mọi miền cả nước có thể tham dự kỳ họp thứ 9 từ chính văn phòng đoàn của mình hoặc nơi mình tương tác.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng việc tiến hành họp trực tuyến có thể giúp tiết kiệm về cả thời gian và chi phí: "Tôi nghĩ việc này tiết kiệm được chi phí, đảm bảo cho Quốc hội bất cứ lúc nào, bất cứ bối cảnh nào, nếu có việc cần thiết thì có thể đưa quyết sách. Các đại biểu không phải mất thời gian đi lại gắn liền với nhiều chi phí phát sinh. Hai yếu tố này vô cùng quan trọng đối với các đại biểu".

Quốc hội họp trực tuyến: Tiết kiệm chi phí nhưng giảm tương tác? - Ảnh 2.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình)

Cũng liên quan vấn đề chi phí, ông Nguyễn Sỹ Cương lại cho rằng khi họp trực tuyến, một trong những chi phí lớn nhất là thuê đường truyền của các nhà mạng.

Một trong những điều mà các đại biểu quan tâm về chuyện họp trực tuyến là sự tương tác. Trước đến nay, tại các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu chỉ tương tác với nhau bên trong nghị trường mà ở bên ngoài cũng có sự giao lưu, trao đổi trực tiếp về những vấn đề kinh tế - xã hội nóng được cử tri quan tâm.

Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc nhận định: "Cần phải đảm bảo quyền của đại biểu và đảm bảo sự tương tác giữa các đại biểu. Trong thời gian họp, không chỉ có vấn đề thảo luận trên hội trường mà các đại biểu có những mối quan hệ tương tác. Chính các mối quan hệ này giữa các đại biểu của nhân dân với cơ quan chính quyền các cấp cũng là giá trị gia tăng, giúp cho họ nâng cao năng lực để thực hiện các nhiệm vụ của mình".

Ông Nguyễn Đức Kiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng, phương án tốt nhất vẫn là Quốc hội hoạt động tập trung tại nghị trường: "Đây là tình huống đặc biệt trong một bối cảnh đặc biệt. Chúng ta không có giải pháp nào khác và công nghệ đã tiến lên một bước. Đây chính là thành quả của công nghiệp 4.0. Phương án này tốt hơn phương án không họp mà đợi hết dịch. Tuy nhiên, phương án các đại biểu Quốc hội tập hợp để trao đổi, vận động, thuyết phục nhau thì có lẽ cho một quyết định nào đó phù hợp với hoạt động nghị trường - một hoạt động ở chỗ đông và công khai. Các phát biểu công khai không được có độ trễ về thời gian mà phải tức thời, đi đến được cử tri, đến được với những người cần tương tác".

Quốc hội họp trực tuyến: Tiết kiệm chi phí nhưng giảm tương tác? - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng)

An ninh mạng là thách thức lớn

Có thể nói, việc lựa chọn phương án họp trực tiếp đối với đợt 1 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội tiến hành họp trực tuyến và Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những Nghị viện đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức này.

Về công tác chuẩn bị cho việc họp trực tuyến, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội: "Hiện nay, đã có khoảng 21 nghị viện đã có chuẩn bị cho việc họp trực tuyến mà trong đó có Việt Nam. Họp trực tuyến của Quốc hội có những đặc thù khác so với họp trực tuyến của Chính phủ. Bởi vì, thời gian họp Quốc hội dài hơn và các yêu cầu về một số phần mềm đảm bảo cho hoạt động của nghị viện cũng khác với các cuộc họp thông thường. Vì vậy, đòi hỏi phải đáp ứng nhiều yêu cầu phức tạp hơn. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu của cuộc họp trực tuyến đợt 1 của Quốc hội thì đòi hỏi công tác chuẩn bị của Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội phải rất kỹ lưỡng và đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đơn vị phát triển công nghệ thông tin".

Quốc hội họp trực tuyến: Tiết kiệm chi phí nhưng giảm tương tác? - Ảnh 4.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trực tiếp kiểm tra hệ thống kỹ thuật trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Trong thời gian qua, Văn phòng Quốc hội đã đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo đường truyền thông suốt và đảm bảo hệ thống dự phòng. Đây cũng là khó khăn lớn nhất để duy trì sự liền mạch của các buổi họp trong nhiều ngày liền.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ: "Từ trước đến nay chưa từng có họp trực tuyến dài ngày như vậy, thông thường chỉ họp trực tuyến từ 1 đến 2 ngày. Đây là lần đầu tiên họp đến 10 ngày, vì vậy phải đảm bảo an toàn trực tuyến".

Vấn đề tiếp theo là phải đảm bảo an toàn an ninh mạng trong suốt thời gian Quốc hội họp trực tuyến. Một khó khăn nữa là làm sao để các phần mềm về đăng ký phát biểu, tranh luận, biểu quyết... ổn định, đảm bảo an toàn và không bị gián đoạn để khi tất cả đại biểu Quốc hội biểu quyết thì có kết quả hiện về hệ thống trên phòng Diên Hồng trong vòng 1 phút. Đây là phần mềm mới, viết riêng cho họp trực tuyến của Quốc hội.

Bất chấp nhưng khó khăn ấy, Tổng Thư ký Quốc hội tin tưởng đây là bước đổi mới nổi bật của Quốc hội kỳ này: "Trong giai đoạn chúng ta đang tiến tới công nghệ 4.0 thì việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong 1 kỳ họp Quốc hội là cần thiết. Đây sẽ là lần thử nghiệm cho 1 hình thức họp mới và nếu phương thức họp này thực sự vận hành tốt thì tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là một bước đổi mới trong hoạt động của Quốc hội".

"Nếu đợt 1 Quốc hội tiến hành họp trực tuyến thành công thì tôi kỳ vọng đây chính là điểm đổi mới, có thể áp dụng trong các nhiệm kỳ sau. Với ý nghĩa như vậy, tôi rất muốn kỳ họp này được chuẩn bị thật kỹ, thấu đáo đảm bảo thành công để làm cơ sở, tiền đề cho chúng ta nghiên cứu, phát triển phương thức họp mới này" - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước