Một số đại biểu cho rằng, với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ vừa bảo đảm các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, vừa tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm tới để có thể đưa ra quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả. Quy định mới cũng sẽ tạo ra sự công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước.
Thống nhất cho rằng, Luật Đầu tư công là bước hoàn thiện căn bản hành lang pháp lý về chính sách đầu tư công, phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu đầu tư, nhưng đa số đại biểu đề nghị dự thảo luật phải xác định cho rõ chủ đầu tư các dự án công là ai, đồng thời có quy định ràng buộc trách nhiệm cá nhân, tổ chức ban hành quyết định chủ trương, danh mục đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tham nhũng và lãng phí trong đầu tư công hiện nay.
Nhiều đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu, điều chỉnh làm rõ quy định vốn Nhà nước cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đầu tư công hay không. Các hành vi bị cấm, liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công như thế nào? Theo một số đại biểu, luật đầu tư công phải làm rõ hơn những vấn đề này để đảm bảo tính chặt chẽ và tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp. Trước đó, trong sáng nay, Quốc hội cũng đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Mời quý vị khán giả xem video chi tiết.