Quốc hội thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp với 92,75% đại biểu Quốc hội tán thành. Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội biểu quyết thông qua công tác tư pháp.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, kế thừa các Nghị quyết hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tiếp tục quy định các chỉ tiêu cụ thể đối với công tác tư pháp cho từng cơ quan trên cơ sở giữ các chỉ tiêu còn phù hợp, bổ sung mới và điều chỉnh một số chỉ tiêu nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm trong tình hình mới bảo đảm sự đồng bộ và tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Kế thừa quy định hiện hành về chỉ tiêu tỷ lệ truy tố bị can đúng tội đối với ngành Kiểm sát nhân dân
Giải trình về các chỉ tiêu đối với ngành Kiểm sát nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cải cách tư pháp, dự thảo Nghị quyết tiếp tục kế thừa quy định "không để xảy ra trường hợp làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm". Đây là nguyên tắc trong hoạt động tố tụng, là căn cứ quan trọng định hướng hoạt động của các cơ quan tư pháp, phấn đấu nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Đồng thời, để cân đối giữa yêu cầu bảo đảm truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và khả năng thực hiện nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong điều kiện tội phạm gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất ngày càng nghiêm trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục kế thừa các Nghị quyết hiện hành, quy định tỷ lệ truy tố bị can đúng tội đạt trên 95% như quy định của Nghị quyết hiện hành.
Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về công tác tư pháp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tiếp thu ý kiến đề nghị không quy định tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát ngang cấp chiếm trên 60% tổng số kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát mà chỉ nên quy định chung là "nâng cao trách nhiệm kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát ngang cấp", dự thảo Nghị quyết không quy định tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát ngang cấp.
Cùng với việc ghi nhận kết quả tích cực ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được và trên cơ sở khả năng thực hiện nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ chỉ tiêu về tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện kiểm sát nhân dân được Tòa án chấp thuận đạt trên 75% như dự thảo Nghị quyết. Và kế thừa các Nghị quyết hiện hành, tiếp tục quy định tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là trên 90%.
Bổ sung chỉ tiêu giải quyết án đối với ngành Tòa án nhân dân
Về các chỉ tiêu đối với ngành Tòa án nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, mặc dù Quốc hội chưa giao chỉ tiêu giải quyết án đối với ngành Tòa án nhân dân, song hàng năm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều phân bổ chỉ tiêu cụ thể giải quyết án cho từng đơn vị trong ngành và báo cáo cụ thể hàng năm trước Quốc hội tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội về kết quả giải quyết, xét xử các loại án. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ kết quả công tác của ngành Tòa án. Trên cơ sở rà soát kết quả giải quyết án hàng năm của ngành Tòa án nhân dân, dự thảo Nghị quyết trình xin ý kiến Quốc hội đề xuất bổ sung chỉ tiêu giải quyết án, cụ thể là: xét xử án hình sự đạt trên 88%, án dân sự đạt trên 78% và án hành chính đạt trên 60%.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trong những năm qua, Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, trên cơ sở đó tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được nâng cao qua các năm (năm 2017: 39,3%, năm 2018: 39,8%, năm 2019: 51%). Trước yêu cầu của cải cách tư pháp, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, việc dự thảo Nghị quyết tiếp tục kế thừa chỉ tiêu nêu trên của các Nghị quyết hiện hành là phù hợp. Dự thảo Nghị quyết tiếp tục kế thừa chỉ tiêu về tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của ngành Tòa án nhân dân đạt trên 60% của các Nghị quyết hiện hành.
Nghị quyết về công tác tư pháp điều chỉnh nhiều chỉ tiêu bảo đảm phù hợp với thực tiễn
Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án với 448/453 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,75% tổng số đại biểu Quốc hội.
Nghị quyết của Quốc hội ghi nhận trong năm qua Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, vi phạm hành chính, giải quyết các tranh chấp, cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của các nghị quyết của Quốc hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp bằng hệ thống điện tử. Ảnh: Quochoi.vn
Nghị quyết của Quốc hội cũng giao nhiệm vụ đối với Chính phủ Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm nguy hiểm, có tổ chức, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm về ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao; ngăn chặn xử lý nghiêm tội phạm "tín dụng đen". Chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 100%.
Đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chỉ đạo các Viện kiểm sát áp dụng đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát. Kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố. Chỉ đạo các Viện kiểm sát đảm bảo việc ra quyết định truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố; bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%.
Đối với Tòa án nhân dân tối cao, có giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các loại án. Tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%; án dân sự đạt trên 78%; án hành chính đạt trên 60%. Đẩy nhanh tiến độ và nâng chất lượng, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để đạt tỷ lệ từ 60% trở lên; bảo đảm việc trả lời đơn có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Bảo đảm ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn luật định đối với người bị kết án phạt tù, pháp nhân thương mại bị kết án đạt tỷ lệ 100%.
Ngoài ra, Nghị quyết của Quốc hội cũng quy định về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong phối hợp tổ chức thực hiện, giám sát để bảo đảm hiệu quả thực thi Nghị quyết của Quốc hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!