Tuần qua, taxi công nghệ một lần nữa lại xuất hiện nhiều trên các mặt báo. Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế nghị định về kinh vận tải bằng ô tô với các quy định siết lại việc cung ứng dịch vụ như Uber, Grab.
Trước vấn đề này, tờ Tuổi trẻ cho rằng các đơn vị cung cấp ứng dụng phải đáp ứng 10 điều kiện như phải được cấp giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ sử dụng phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải với các điều khoản cụ thể, hay phải có logo.
Sau 2 năm thí điểm, Uber, Grab đã làm cho giá vận tải rẻ đi, hành khách không lo bị chặt chém và rất nhiều việc làm được tạo ra. Tuy nhiên, loại hình vận tải này đang chịu cáo buộc là lách luật, gây ra hệ lụy lớn. Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra biện pháp trên nhằm siết chặt quản lý. Gần đây nhất, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cấm xe ô tô Uber và Grab giống như taxi trên nhiều tuyến phố trung tâm.
Với biển cấm "Xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi", Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, sau khi có các biển này, nếu xe hợp đồng dưới 9 chỗ, trong đó có xe Grab, Uber, Limousine chạy vào 13 tuyến phố có biển cấm taxi sẽ bị xử lý. Từ ngày 11/1 khi chỉ còn 11 tuyến phố cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, các trường hợp xe Uber, Grab vi phạm, sau thời gian này nếu phát hiện xe công nghệ nào vi phạm lực lượng chức năng sẽ xử phạt cả hai lỗi: không dán hoặc dán logo, biểu trưng không đúng quy định và lỗi đi vào đường cấm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định xử lý theo kiểu này không dễ. Ý kiến này được tờ Công an nhân dân phản ánh. Theo lãnh đạo Hiệp hội taxi Hà Nội, khó để phân biệt xe chạy Grab và Uber với phương tiện cá nhân để có thể xử phạt. Còn lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết chưa nhận được thông báo và đề nghị phối hợp của Sở Giao thông Vận tải khi cắm biển cấm.
Đó là về câu chuyện công bằng trong hoạt động. Còn về vấn đề nộp thuế, theo các hãng taxi truyền thống, việc doanh nghiệp của họ nộp thuế cao gấp chục lần Grab và Uber là do cơ quan thuế xác nhận Uber, Grab là doanh nghiệp công nghệ, không phải doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, dù bị "so bì" là nộp thuế thấp, nhưng mới đây Uber còn khởi kiện Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh ra tòa. Không chỉ liên quan tới vấn đề pháp lý, Với Grab, đó còn là vấn đề mà họ đối mặt với các tài xế của mình sau khi tăng mức chiết khấu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!