Sinh kế nào cho người dân mùa nắng hạn?

Tấn Quýnh-Chủ nhật, ngày 13/04/2014 13:02 GMT+7

Người dân không có thu nhập, thậm chí đứng trước nguy cơ thiếu đói nhưng lại phải chấp nhận nhàn rỗi là một nghịch lý đang xảy ra ở nhiều vùng nông thôn, miền núi trong mùa nắng hạn.

Mất đi sinh kế như là hậu quả rõ nét từ đợt nắng hạn dai dẳng trong những tháng qua ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Hiện tại, nhiều giải pháp đối phó với nắng hạn được đưa ra nhưng rõ ràng, không thể không tính đến việc tìm ra sinh kế cho người dân ở những vùng đất mà hầu như năm nào cũng đối mặt với khô hạn.

Không ai mong chờ sẽ có được nhiều tiền từ ruộng bắp giữa mùa nắng hạn. Thu hoạch 10 trái thì cả 10 đều thưa hạt, thậm chí chẳng có hạt. Tình trạng nắng hạn, không còn nước để tưới dẫn đến việc mất mùa bắp là khó tránh khỏi.

Bà Tà In Thị Quách trồng 8 sào bắp. Đó là nguồn thu nhập duy nhất trong mùa này của người dân Raglay huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Thế nhưng, khô hạn đã lấy đi nguồn thu nhập ấy.

‘ Người dân biết làm gì khi ruộng đồng khô hạn? (Ảnh minh họa)

Bà Tà In Thị Quách buồn bã nói: “Không có nước nên thế. Trồng 8 sào mà đến 2 tuần mới tưới được một lần nước”.

Ở làng Đồng Dày, xã Phước Trung của huyện miền núi Bác Ái, nhà nào cũng đông người. Tuy nhiên, nhàn rỗi là tình cảnh chung của gần 200 hộ dân trong làng. Đó là sự nhàn rỗi trong lo lắng bởi không thể không lo khi không đi làm cũng đồng nghĩa với việc không gạo cho những bữa ăn, không có tiền để trang trải chi tiêu hàng ngày. Nhưng nghịch lý ở chỗ nếu họ đi làm cũng không có việc để làm vì ruộng lúa khô đến nứt cả đất còn rẫy bắp cháy đến mức ngay cả đàn bò cũng khó mà gặm được.

Ông Tà In Nớ - Xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: “Không có nước nên chúng tôi phải ở nhà, anh em ngồi đây nói chuyện chứ biết làm sao”.

Gia đình Tà In Nớ có đến 5 miệng ăn, mỗi ngày cần gần 2 kg gạo. Chỗ gạo cứu đói chỉ giúp gia đình vượt qua khó khăn trước mắt. Ai cũng muốn nhanh chóng trở lại sản xuất. Cả làng, cả xã, cả huyện đều chờ mưa. Nhưng, những dự báo đưa ra, ít nhất đến tháng 8, tình hình nắng hạn ở khu vực miền Trung mới giảm bớt.

Ông Ia Ma Sít Vớ - Xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nói: “Ai cũng muốn làm hết nhưng không có nước nên đành chịu”.

Không việc làm, thói quen uống rượu ở những làng Raglay lại tái diễn. Vòng luẩn quẩn, nắng hạn, không có việc làm, uống rượu và nghèo đói cứ lặp đi lặp lại.

Trong điều kiện hiện nay, khi các hồ chứa nước khô hạn thì điều rõ ràng, nguồn nước phải được ưu tiên cho nhu cầu nước sinh hoạt người dân và phục vụ chăn nuôi. Vì thế, chuyện phải bỏ đất hoang là khó tránh khỏi. Nhưng hầu như địa phương nào cũng gặp khó khăn trong vấn đề tìm việc làm vào mùa nắng hạn.

Ông Tà Yên Xốn - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Mùa khô, bà con ở đây cũng tận dụng nước để sản xuất. Những nơi nào còn nước, bà con bơm tưới nên đến lúc hết nước thì cũng đành chịu”.

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ địa phương 85 tỷ đồng để thực hiện công tác chống hạn. Nguồn vốn này dự kiến sẽ dành vào việc nạo vét, tu sửa các công trình, bơm tưới chống hạn… Những giải pháp này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đất bỏ hoang trong những tháng tới. Có như vậy, người dân vùng hạn mới thoát khỏi nghịch lý nhàn rỗi giữa lúc thiếu đói đang cận kề.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước