Lễ hội cúng mừng lúa mới được tổ chức 5 năm một lần hoặc sớm hơn khi làng được mùa lớn, thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến "Mẹ Lúa" và các loại giống cây trồng. Càng vui hơn khi năm nay lễ hội vừa được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia thứ 2 của đồng bào dân tộc nơi đây.
Tự tay chuẩn bị một cách cẩn thận, tỉ mỉ những lễ vật của lễ hội mừng lúa mới, niềm vui hiện rõ trên gương mặt những vị già làng. Bởi đây không chỉ là lễ hội, mà còn là một dịp rất ý nghĩa của đồng bào dân tộc Paco với tấm lòng thành kính gởi đến các vị thần linh.
Lễ mừng lúa mới có rất nhiều các nghi thức khác nhau như: lễ tẩy rửa; lễ xua đuổi các linh hồn dữ; lễ mời mẹ lúa; lễ cúng các giống cây trồng; lễ cúng Giàng Xứ; lễ cúng Giàng Cợt; lễ ăn cơm mới…
Bên cạnh ý nghĩa tạ ơn các đấng thần linh theo phong tục địa phương, đây còn là dịp để người dân ở các thôn bản cùng quây quần, sum họp trong những ngày đầu Xuân mới.
Việc lễ hội được chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của người dân A Lưới, mà đây sẽ là tiền đề để phát triển du lịch tại địa phương vùng cao này.
A Lưới là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, là nơi hội tụ những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy qua bao đời nay. Lễ hội mừng lúa mới - Aza Koonh - là một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo, rất cần được bảo tồn, giữ gìn và phát huy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!