Nằm trong chuỗi hoạt động Festival Đua ghe ngo Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất Sóc Trăng năm 2013, tối 12/11, tại quảng trường 30/4, thành phố Sóc Trăng, Ban tổ chức Festival đã khai mạc Hội thi trình diễn trang phục 3 dân tộc Kinh-Khmer-Hoa. Tham dự Hội thi có trên 50 thí sinh của các địa phương về dự trình diễn trang phục ở các thể loại trang phục sinh hoạt, trang phục truyền thống và trang phục lễ hội.
‘ Vở tuồng "Nàng Xê Đa" của đơn vị Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng biểu diễn trong đêm khai mạc festival. (Ảnh: Soctrang)
Chị Lý Thị Ngọc Yến, khán giả cho biết: “Hàng ngày trông thấy bà con ở địa phương, mặc đồ giản dị mình cũng không nghĩ ra trang phục dân tộc mình là thế nào. Nhưng qua hội thi cho tôi thấy rõ trang phục của các dân tộc mình rất đẹp và phong phú”.
Tham dự có 54 thí sinh đại diện cho 3 dân tộc Kinh- Khmer- Hoa đến từ các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng. Ở vòng sơ khảo mỗi thí sinh trình diễn 3 bộ trang phục mang mang đặc trưng của dân tộc mình.
Thí sinh Trương Nhật Thuyết Huy, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng nói: “Các trang phục tuy có cách tân nhưng vẫn phải giữ nguyên các đường nét mang tính truyền thống”.
Kết thúc vòng sơ khảo Ban giám khảo sẽ chọn 20 thí sinh vào vòng chung kết xếp hạng và mỗi thí sinh chỉ trình diễn 1 trang phục tự chọn để ban giám khảo chọn trao giải. Theo đánh giá của ban tổ chức, trang phục truyền thống của các dân tộc đều duyên dáng và mang đậm bản sắc văn hóa riêng từng dân tộc.
Cũng trong tối 11/11, tại Trung tâm văn hóa tỉnh Sóc Trăng, Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ nhất đã khai mạc. Đây là một trong những hoạt động chính của Festival Đua ghe Ngo Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất. Tham gia liên hoan lần đầu tiên này có 10 đoàn nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer của 6 tỉnh trong khu vực với gần 500 diễn viên, nghệ nhân tranh tài. Trong 6 đêm diễn ra liên hoan (từ 11 đến 16/11), người thưởng thức nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng sẽ được sống lại với nhiều vở Dù kê nổi tiếng như "Nàng Xê Đa" của Đoàn nghệ thuật Dù kê tỉnh Sóc Trăng; "Hương sắc tình quê" của đội thông tin văn nghệ Khmer Cà Mau; "Truyền thuyết vua thần" của đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh Bạc Liêu.