Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể trong ngày 21/11. Sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, đạo luật này đã trở thành một trong những công cụ trong phòng và xử lý những người có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, trước tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, giờ đây đạo luật này được một số người gọi là "con hổ giấy" khi chưa thể tạo nên được một công cụ đủ mạnh để kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức và nhất là thu hồi được tài sản của những người tham nhũng. Vì thế, nếu để kéo dài tình trạng này sẽ gây bức xúc và hoài nghi trong xã hội về nỗ lực phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Khó khăn trong việc xác minh tài sản, thu hồi tài sản
Những biệt thự, biệt phủ của một số cán bộ có chức có quyền. Những khối tài sản không rõ nguồn gốc. Không ít cán bộ giàu lên nhanh chóng một cách thiếu bình thường... Người dân đặt câu hỏi: những khối tài sản "khủng" này lấy từ đâu ra? Bởi hiển nhiên, nếu tính thu nhập chính thức bằng tiền lương thì những cán bộ đó không thể sở hữu khối tài sản lớn như vậy.
Những thắc mắc ấy là có lý bởi những khối tài sản như nhà, biệt thự, trang trại và ô tô của cán bộ công chức là rất khó che giấu. Thế nhưng những tài sản này thường chỉ bị phát hiện sau khi những vụ án tham ô hay làm trái quy định quản lý kinh tế của nhà nước bị phát giác. Trước mỗi một kỳ họp Quốc hội, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh tới Quốc hội về tình trạng này.
Trong báo cáo trình Quốc hội về giải quyết kiến nghị của cử tri, Ban Dân vận Trung ương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua gần 1.600 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3, 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được gần 2.500, trong đó có nhiều kiến nghị về tham nhũng, lãng phí. Cử tri cho rằng, số vụ việc về tham nhũng bị phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình mà cử tri phản ánh; xử lý hành chính, kỷ luật nội bộ còn nhiều; nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện do tố cáo của người dân hoặc mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua công tác thanh tra, kiểm tra.
Một loạt các quan chức bị đưa ra xét xử với tội danh "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" đã xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Vụ án "tham ô tài sản", "rửa tiền" xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải viễn dương Vinashinlines là một mảng trong tổng thể vụ án Vinashin. Vụ án này cũng được coi là bước đột phá trong việc thu hồi tài sản, bởi tính đến thời điểm này đây là vụ án có số tiền tham nhũng thu được lớn nhất từ trước đến nay. Điều đáng nói quá trình phá án được bắt đầu từ khối tài sản của gia đình Giang Kim Đạt.
Từng là Trưởng phòng kinh doanh Công ty vận tải viễn dương Vinashin, sinh năm 1977 nhưng Giang Kim Đạt có tổng cộng 40 nhà biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai trên khắp cả nước cùng nhiều ô tô. Khối tài sản lớn này đều hình thành từ sau thời điểm Đạt đảm nhận cương vị trưởng phòng kinh doanh của Công ty vận tải viễn dương Vinashin.
Khối tài sản của gia đình Giang Kim Đạt
Đầu năm 2015, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố Giang Kim Đạt về tội tham ô tài sản và ra lệnh bắt cha của Đạt là ông Giang Văn Hiển để điều tra về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và che giấu tội phạm.
Nghiên cứu sâu về vụ án này, Luật sư Lê Đình Vinh ví đây là một tiếng chuông cảnh tỉnh trong cuộc chiến chống tham nhũng, vì nó phơi bày tất cả những bất cập hiện nay trong việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác.
Đối với Vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - và 13 bị cáo phạm tội tham ô tài sản, cố ý làm trái xảy ra tại Công ty Vinalines thuộc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam gây thiệt hại là 366 tỷ đồng, nhưng số tiền và tài sản thu hồi được chỉ trị giá trên 30 tỷ đồng (tức là chưa đến 10%).
Một số chuyên gia pháp luật cho rằng, việc phong tỏa và thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đi vào con đường cụt. Vì hiện tại, các phán quyết liên quan đến quyền tài sản mà không thông qua Tòa án thì không bảo đảm Nhà nước pháp quyền và quyền công dân. Vì thế, việc xác minh tài sản, thu hồi tài sản phải có cơ chế khác. Nếu không thì khó thu hồi được tài sản của người tham nhũng.
Cơ hội để tạo ra một công cụ đủ mạnh và hiệu quả thực sự
Xuất phát từ tầm quan trọng biện pháp minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng, Dự thảo luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này có một chương riêng với nhiều quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và có chức vụ, quyền hạn khác. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng vẫn còn thiếu một cơ chế kiểm soát đủ mạnh để phát hiện kịp thời và đầy đủ những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực và đặc biệt dự thảo Luật hoàn toàn chưa có cơ chế xử lý tài sản không chứng minh, không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.
Trong Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, qua kiểm tra tại gần 8.000 đơn vị, chỉ phát hiện 66 trường hợp có vi phạm về công khai, minh bạch. Năm nay, số lượng bản kê khai tài sản lên tới 1,1 triệu, nhưng chỉ xác minh đối với 78 người, kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm. Việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.
Năm nay, số lượng bản kê khai tài sản lên tới 1,1 triệu, nhưng chỉ xác minh đối với 78 người, kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm
Kê khai tải sản thì hình thức. Việc xác minh tài sản thì không hiệu quả, trong khi ở các vụ án liên quan đến tài sản, có những vụ điều tra đi, điều tra lại, qua mấy vòng tố tụng mà chưa xác định được tài sản của ai. Vì thế Dự Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi lần này mà vẫn "bế tắc" chưa tìm được cơ chế kê khai, kiểm soát, xác minh và thu hồi tài sản thì dự luật này cần tập trung vào biện pháp công khai, minh bạch kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác, đồng thời tổ chức lại cơ chế, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách của Viện Kiểm sát, Thanh tra, Cơ quan điều tra về chống tham nhũng.
Qua những câu chuyện cụ thể và phân tích của các chuyên gia pháp luật và đại biểu Quốc hội thì dường như Dự luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi hiện vẫn còn nhiều vấn đề nhất là về kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác trước khi được Quốc hội cho ý kiến. Trong khi đó, tại phiên chất vấn của Quốc hội cuối tuần qua, phòng chống tham nhũng tiếp tục là một vấn đề lớn. Bộ trưởng Công An Tô Lâm cũng đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đặc biệt là Luật Phòng, chống tham nhũng.
Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm cũng đề xuất để nâng cao chất lượng công tác này, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đặc biệt là Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi lần này được Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến sẽ khắc phục được rất nhiều những vấn đề về khâu pháp lý, pháp luật. Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Lê Minh Trí kiến nghị cần có biện pháp phong tỏa tài sản của đối tượng phạm tội, bảo đảm cho việc thu hồi không để đối tượng tẩu tán.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: "Đảng, Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng, tiêu cực, cờ gian, bạc lận...Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng. Hệ thống hành pháp phối hợp tư pháp cùng các cấp ngành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đúng pháp luật, kịp thời và công khai".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Đảng, Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng, tiêu cực, cờ gian, bạc lận..
Mặc dù công cuộc phòng chống tham nhũng mấy năm gần đây đã có những bước tiến dài, nhưng qua ý kiến cử tri trước mỗi kỳ họp Quốc hội hay chất vấn tại Quốc hội thi đây vẫn là một trong những vấn đề được cử tri cũng như các đại biểu Quốc hội quan tâm nhất. Phải mất 10 năm, Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành mới được sửa đổi.
Vì thế, việc bổ sung, sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành là một cơ hội hiếm hoi để tạo ra một công cụ đủ mạnh và hiệu quả thực sự chứ không phải là một con hổ giấy. Vì thế, với loại tội phạm ngầm như tham nhũng thì phải kiểm soát được tài sản, nếu không thì vô phương chống tham nhũng. Và các đại biểu Quốc hội đã có trách nhiệm nặng nề trong quá trình đóng góp ý kiến, đặc biệt là trước khi bấm nút thông qua dự Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!