Tại hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa đề án tái cơ cấu và bắt đầu triển khai ngay trong năm nay. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quá trình triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ bắt buộc phải có những điều chỉnh trong chiến lược và mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp trong phân bổ đầu tư, chi tiêu công, trách nhiệm quản lý, mô hình sản xuất phù hợp. Chính vì vậy, địa phương xây dựng giải pháp càng cụ thể bao nhiêu thì quá trình thực hiện tái cơ cấu càng nhanh và dễ dàng.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện ngành nông nghiệp nhiều địa phương cũng bày tỏ những trăn trở, lo lắng khi chuẩn bị triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu.
Ông Tô Mạnh Tiến, PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai nêu ý kiến: “Cái khó khăn nhất khi thực hiện tái cơ cấu ở Lào Cai là việc thực hiện quy hoạch. Hiện nay, các quy hoạch của chúng ta thực tế chưa đạt chất lượng cao. Thứ hai là về cơ chế, chính sách, cần có cơ chế chính sách cụ thể để phù hợp với từng địa phương cụ thể”.
‘ Việc chuyển đổi trồng bắp trên đất lúa ở ĐBSCL đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Báo Nông nghiệp
Điểm nhấn trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp đó là xây dựng liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Đại diện tỉnh An Giang, một trong những địa phương đã có mô hình liên kết cánh đồng mẫu lớn thành công cho rằng, người dân sẽ không thể liên kết thành công với doanh nghiệp nếu không có vai trò tổ chức của Nhà nước. Quan trọng hơn là cần có những liên kết ngang giữa các doanh nghiệp để giảm giá thành vật tư đầu vào.
Bà Phan Thị Yến Nhi, GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho rằng: “Tổ chức sản xuất tiêu thụ cần có những liên kết ngang giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Ví dụ như giống, phân bón, doanh nghiệp tiêu thụ, vì như thế mới đảm bảo giảm giá thành cũng như chất lượng giống, chất lượng vật tư nông nghiệp”.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, đơn thuần một địa phương hay một vùng thì không thể quyết định được đầu ra cho sản phẩm. Các đại biểu cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và các ngành liên quan xây dựng một chiến lược về lâu về dài đối với đầu ra, thị trường cho từng loại cây, con chủ lực, có lợi thế đặc biệt.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Tái cơ cấu nông nghiệp không phải chỉ dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước, điều quan trọng là phải thu hút đầu tư tư nhân, phát triển đối tác công tư để hoàn thành đề án. Và đây là một trong 5 giải pháp chính để thực hiện đề án này.
Bộ Nông nghiệp cũng cho rằng, các địa phương không nên nóng vội trong triển khai thực hiện mà cần nghiên cứu kỹ đề án. Phải gắn tái cơ cấu nông nghiệp với ba trụ cột chính về kinh tế, xã hội và môi trường. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những nội dung chính sẽ là việc thực hiện liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp nhằm tăng giá trị của chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Hướng đến xây dựng thành công mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn với mục tiêu cuối cùng là gia tăng lợi ích của người nông dân một cách bền vững.