Tăng trưởng nóng mà không làm tốt an sinh xã hội thì sẽ phải trả giá

H.T-Thứ tư, ngày 30/10/2019 17:32 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ ra 3 vấn đề xã hội gồm chất lượng cuộc sống người dân, phát triển văn hóa và quản lý thông tin.

Kinh tế không phải là yếu tố duy nhất đem lại chất lượng cuộc sống của người dân

Chiều nay (30/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với các báo cáo cũng như ý kiến của rất nhiều đại biểu đã phát biểu về tình hình kinh tế xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định: "Thực sự có rất nhiều kết quả lớn ấn tượng đáng ghi nhận trong bức tranh kinh tế xã hội của năm 2019, ví dụ như tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, dự trữ tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, nợ công giảm mạnh, lạm phát được kiềm chế. Đặc biệt đây là năm thứ 2 liên tiếp chúng ta đạt và vượt 12 chỉ tiêu. Đây là thành tựu từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của lòng dân và đặc biệt là công tác điều hành của chính phủ. Nhưng bên cạnh những thành tựu lớn ấy vẫn còn tồn tại một số những hạn chế mà trong nhiều năm qua chưa được khắc phục, trong đó có những vấn đề nóng về lĩnh vực văn hóa xã hội. Những hạn chế trên đã được phản ánh trong ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội".

"Tôi rất ấn tượng với ý kiến của Thủ tướng trong phiên điều hành của Chính phủ tháng 3 năm 2019 đó là lo tăng trưởng nhưng không bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối. Đáng tiếc là trong báo cáo của Chính phủ lại chưa đề cập một cách thỏa đáng các vấn đề văn hóa xã hội đang đặt ra" – ĐBQH đoàn Đồng Tháp nêu lên.

Tổng hợp ý kiến của cử tri Đồng Tháp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ ra 3 vấn đề sau. Đầu tiên là vấn đề về môi trường xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân, đại biểu nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế mà không làm tốt an sinh xã hội thì sẽ phải trả giá: "Người dân vui mừng về kết quả phát triển kinh tế nhưng kinh tế cũng không phải là yếu tố duy nhất đem lại chất lượng cuộc sống của người dân. Thậm chí nếu tăng trưởng nóng về kinh tế mà chúng ta không làm tốt an sinh xã hội thì đến một lúc nào đó chúng ta phải trả giá vì hậu quả xã hội khôn lường. Thực tế, chúng ta càng nỗ lực bảo vệ môi trường sống thì môi trường sống càng bất an".

Từ vấn đề thực phẩm bẩn tràn ngập, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước sinh hoạt, vấn đề tham nhũng vặt làm hình ảnh bộ máy công quyền bị xấu đi trong mắt của người dân. Nhiều hành vi thiếu chuẩn mực cho thấy có dấu hiệu sự xuống cấp vì nhân cách về đạo đức. Một số vụ án giết người mà quan hệ giữa thủ phạm và nạn nhân là anh em, là vợ chồng, là mẹ con đã làm chấn động dư luận. Đặc biệt là nạn xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp. Thủ phạm đa số là những người quen người thân, thậm chí là người ruột thịt.

Xâm hại tình dục trẻ em báo động sự suy đồi về đạo đức Xâm hại tình dục trẻ em báo động sự suy đồi về đạo đức

VTV.vn - Đang rất cần có một cơ chế bảo vệ để hình thành lá chắn vững chắc hơn nhằm bảo vệ, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết: "Địa bàn có nguy cơ cao bị xâm hại trẻ em qua giám sát tối cao Quốc hội cho thấy rằng hiện đang tập trung nhiều ở nông thôn - nơi mà những người lao động nữ đã phải đi làm ăn xa và trách nhiệm của người mẹ, người vợ đã không thể hiện được, đẩy trẻ em vào cái nguy cơ cao có thể bị xâm hại. Từ thực trạng ấy, tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn tới chất lượng cuộc sống của người dân, bao gồm cả cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần đối với một số hiện tượng xã hội cần phải được tập trung nghiên cứu phân tích để có giải pháp xử lý một cách thỏa đáng. Chẳng hạn như sự gia tăng nạn bạo lực trong giải quyết các quan hệ xã hội quan hệ gia đình vậy thì nguyên nhân từ đâu? Có phải là dấu hiệu của bệnh trầm cảm, của sự tổn thương uất ức trong mỗi con người mà nguyên nhân sâu xa là từ các vấn đề xã hội chưa được kịp thời xử lý hay là hiện tượng lệch lạc trong xu hướng thần tượng hóa giang hồ mạng của một bộ phận giới trẻ. Có lẽ các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu từ góc nhìn văn hóa để có giải pháp khắc phục kịp thời".

"Dường như chúng ta chưa có được một nền văn hóa phát triển bền vững"

Về vấn đề phát triển văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa, ĐBQH đoàn Đồng Tháp đánh giá nước ta chưa có được một nền văn hóa phát triển bền vững: "Báo cáo của Chính phủ ghi nhận kết quả của lĩnh vực văn hóa nhưng chúng tôi cảm nhận là các hoạt động của văn hóa chủ yếu là các sự kiện, các lễ kỷ niệm. Không phủ nhận sức công phu ấn tượng của các sự kiện ấy nhưng cử tri thì băn khoăn nhiều về vấn đề lãng phí của những cuộc kỷ niệm lớn với đông người tham dự, những màn nghệ thuật hoành tráng mà ngân sách đầu tư không nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều công trình nhân danh văn hóa tâm linh được xây dựng có nguy cơ ảnh hưởng đến di tích môi trường cảnh quan an ninh, quốc phòng. Nhiều lễ hội bị lạm dụng và biến tướng. Dường như chúng ta chưa có được một nền văn hóa phát triển bền vững".

"Theo tôi muốn có văn hóa phát triển bền vững thì cần phải đưa các hoạt động văn hóa về giá trị thực chất việc khơi dậy ở người dân ý thức bảo vệ văn hóa, đạo đức truyền thống. Ví dụ chúng ta đang xây dựng văn hóa trong nông thôn mới, tôi nghĩ rằng không phải xây dựng các thiết chế văn hóa để đủ điều kiện công nhận tiêu chí nông thôn mới mà điều quan trọng là chúng ta phải thông qua nông thôn mới để khôi phục lại văn hóa làng xã với tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Đặc biệt là cần phải phát huy tinh thần làm chủ của người dân tộc xây dựng nếp sống văn hóa gắn văn hóa với phát triển kinh tế".

"Đối với lĩnh vực văn hóa đôi khi cũng không phải là vấn đề ngân sách mà có lẽ quan trọng ở cách làm. Tôi xin dẫn chứng cách làm của Đồng Tháp với mô hình hội quán để kết nối người dân, để người dân tự nguyện cùng ngồi lại với nhau cùng trao đổi về cuộc sống, về hợp tác làm ăn đề cao đạo đức trong sản xuất trong kinh doanh và qua đó khơi dậy trách nhiệm cuả người dân, trao cho người dân quyền tự chủ để giải quyết những vấn đề trong cộng đồng cũng là vấn đề của gia đình, của chính bản thân mình. 85 hội quán của Đồng Tháp đã và đang phát huy tác dụng góp phần làm nên nét văn hóa ấn tượng của xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp" - đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đưa ra ví dụ.

Thứ ba, về vấn đề quản lý thông tin, nhất là các trang mạng xã hội, ĐBQH đoàn Đồng Tháp không phủ nhận rằng hệ thống kết nối thông tin qua mạng xã hội có những ảnh hưởng rất tích cực tới đời sống của người dân nhưng mặt trái của mạng xã hội cũng đang có những tác động tiêu cực khiến tâm lý xã hội hoang mang. Ai trong số chúng ta bất cứ lúc nào đấy cũng có thể trở thành nạn nhân của sự tấn công vô hình từ các trang mạng xã hội.

Bộ TT-TT : Phải tăng cường quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp Bộ TT-TT : Phải tăng cường quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp

VTV.vn - Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra văn bản yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp.

"Cử tri đã từng đặt câu hỏi với chúng tôi rằng, trong một số sự việc giữa mạng xã hội và kênh thông tin chính thức của chính phủ, kênh nào đang đóng vai trò dẫn dắt dư luận. Có hay không hiện tượng báo mạng đang tạo nên áp lực cho tâm lý xã hội và buộc các cơ quan quản lý nhà nước chạy theo để xử lý. Tôi xin gửi câu hỏi này tới cơ quan chức năng để để câu trả lời thỏa đáng cho cử tri, đồng thời đề nghị Chính phủ phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để thanh lọc, hạn chế tin xấu, tin độc, nâng cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc kịp thời định hướng thông tin, dẫn dắt dư luận" - đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đưa ra kiến nghị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước