Câu chuyện về một người phụ nữ đã mất gần như cả cuộc đời mình để tìm kiếm gia đình, mong ước được hưởng một cái Tết sum họp thật sự ngay sau đây nhắc chúng ta dù có đi đâu hay làm gì hãy luôn nhớ về nguồn cội, nơi sinh ra, nuôi dưỡng tâm hồn và chờ đón ta trở về.
Nhìn qua, con đường dẫn vào thôn Đông Thượng, xã Cổ Lễ, hiện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cũng tương tự như nhiều đường thôn ngõ xóm khác, nhưng với bà Đỗ Thị Vông lại đặc biệt vô cùng. Bà đã mất 70 năm để tìm lại được con đường này. Bà bị lưu lạc trong nạn đói năm 1945. 70 năm lưu lạc là 70 cái Tết bà không có quê để trở về…
Cách đây đúng 2 năm, nhờ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, bà đã tìm được bà con ruột thịt và quê hương của mình.
Về quê chúc Tết, sum vầy với những người anh em họ hàng ruột thịt. Một điều bình thường với rất nhiều người nhưng với bà Vông, lại là khát khao đằng đằng suốt một đời. Bị lạc khỏi gia đình khi mới 6 tuổi, kí ức về quê nhà với bà chỉ là những mảnh ghép rời rạc và ít ỏi. Các con bà cũng giúp mẹ tìm kiếm nhiều năm mà không thành.
Trong khi đó, gia đình bà ở Nam Định cũng tìm kiếm cô con gái bị thất lạc từ rất lâu. Vì vậy, niềm vui đoàn tụ sau 70 năm bặt vô âm tín thật không gì đo đếm được.
Giờ đây, khi tìm dược đường về, bố mẹ và các anh của bà đều đã mất. Gương mặt, vóc dáng của họ, bà cũng không còn nhớ nữa. Dù vậy, có lẽ với bà, được như ngày hôm nay đã là điều kỳ diệu. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà đã trả lời được câu hỏi: Mình là ai, mình từ đâu tới.
Từ nay, bà Vông đã có nơi chốn để về thăm, nó được gọi bằng hai từ gần gũi mà thiêng liêng: “Quê nhà”. 77 tuổi - điều bà mong ước lớn nhất là có đủ sức khỏe để mỗi năm lại được con cháu đưa về quê 1 lần vào dịp Tết. Những người phải mất gần cả cuộc đời mới tìm được người thân như bà Vông sẽ hiểu hơn ai hết giá trị của gia đình và ý nghĩa thực sự của ngày Tết cổ truyền.