Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc.
Tiếp sau các Hội nghị Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ muốn lắng nghe những khó khăn, vướng mắc về cơ chế và thể chế của vùng để đề ra những giải pháp cụ thể để các Vùng Kinh tế trọng điểm có thể phát triển đột phá và có đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong lúc tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp với cả thời cơ và nguy cơ, thế nhưng, trong nguy có cả cơ hội để Việt Nam, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phát triển. Do đó, Chính phủ rất cần có phương thức quản lý mới linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả hơn trong hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh theo không gian vùng lãnh thổ, để các Vùng Kinh tế trọng điểm phát triển đột phá, tạo động đất nước nhanh và bền vững. Nhất là Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ lớn thứ 2 cả nước, đang đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trong nước, ngân sách nhà nước và kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hội nghị thảo luận về đổi mới thể chế, cơ chế điều phối vùng, để hiến kế cho Chính phủ, vì đây là vấn đề rất quan trọng mà đến nay vẫn đang loay hoay, chưa thực hiện hiệu quả. Để sau hội nghị, Chính phủ sẽ có các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng và các vùng kinh tế trọng điểm nói chung phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, tạo sức lan tỏa lớn, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!