Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả mà ngành Công Thương đạt được trong những tháng đầu năm 2014; nhấn mạnh các lĩnh vực của ngành đều có tăng trưởng, phát triển khá đồng đều và toàn diện; khả năng đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu của ngành đề ra cho năm 2014 là khả thi; nhất là chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ đạt từ 7-7,2%; cân bằng được xuất nhập khẩu và có xuất siêu, liên tục 3 năm nay (từ năm 2012 đến nay) đều có xuất siêu, qua đó dự trữ ngoại tệ của đất nước tăng lên; công tác quản lý Nhà nước của ngành được triển khai thực hiện hiệu quả; hoạt động mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước được chú trọng…
“Cái gì làm được chúng ta khẳng định để quyết tâm làm tốt hơn; cái còn hạn chế, yếu kém trên từng lĩnh vực cần tập trung khắc phục để phấn đấu đạt được cao nhất chỉ tiêu, kế hoạch đề ra cho ngành Công Thương, cũng là đóng góp vào thực hiện tốt nhất, cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra cho cả nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chung là ngành Công Thương phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa nhằm hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu ngành đã đề ra cho năm 2014 cũng như hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, trước hết ngành Công Thương cần đặc biệt quan tâm đến hoạt động quản lý Nhà nước của ngành, trong đó hết sức lưu ý đến việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để thị trường cạnh tranh hơn, minh bạch hơn, bình đẳng hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn… Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để ngành Công Thương phát triển bền vững, hội nhập, cạnh tranh trên các lĩnh vực. Trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phải hết sức cố gắng làm sao không để nợ đọng văn bản pháp quy; những gì thuộc về cơ chế, chính sách đang vướng mắc, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp phải xem xét tháo gỡ ngay; những gì vượt thẩm quyền phải khẩn trương tham mưu, đề xuất với Chính phủ xem xét, xử lý.
“Các đồng chí thử đi làm doanh nghiệp, hay đi làm hộ kinh doanh của người dân, các đồng chí sẽ thấy rất nhiều cái vướng mắc rất vô lý, mà hoàn toàn không cần tiền bạc ta có thể sửa được…”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong đó “thứ nhất điện phải không để thiếu; thứ hai xăng dầu phải ổn định, chất lượng; thứ ba phải đảm bảo được than”, không được để mất ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp tục tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; “tái cơ cấu để có hiệu quả cao hơn, công nghệ cao hơn, sức cạnh tranh cao hơn”. Trong tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của ngành phải hết sức lưu ý đến làm tốt cổ phần hóa, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh… “Tái cơ cấu phải thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, có đề án cụ thể, có quyết tâm làm, không nói chung chung”.
Tiếp tục quan tâm mở rộng thị trường trong và ngoài nước bởi thị trường quyết định đến sản xuất, đến thu nhập của người dân; đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường ngoài nước; đi liền với đó là nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để đảm bảo sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng; khai thác tối đa các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do hiện có, đồng thời chủ động, tích cực trong thực hiện và kết thúc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do mới.
Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý ngành tiếp tục quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần, “Thủ tục gì gây khó khăn, gây cản trở, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cho người dân trên tất cả các lĩnh vực mà Bộ quản lý, phải rà soát, phải sửa đổi với tinh thần là phục vụ, là bảo đảm cho sự phát triển”.