Đến dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng sau các phiên thảo thuận của Diễn đàn. Thủ tướng trân trọng gửi lời cảm ơn đến đại diện các quốc gia, đối tác phát triển, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đã có những ý kiến đóng góp thẳng thắn, thiết thực đồng thời đã đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam trong tiến trình hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng cho biết kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2015 đã phát triển vững chắc và hiệu quả hơn so với năm 2014. Đây là nỗ lực chung rất lớn của Việt Nam khi thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được theo Thủ tướng vẫn chưa thực sự bền vững và tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.
Chính vì vậy, trong thời gian sắp tới, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực phát huy những kết quả đạt được đồng thời thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ảnh: Báo điện tử Chính phủ
Tập trung triển khai những giải pháp lớn ở 5 nội dung chính
Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ tập trung triển khai những giải pháp lớn trong thời gian sắp tới với 5 nội dung chính sau:
Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục quản lý, điều hành để bảo đảm, tăng cường tiến độ ổn định của kinh tế vĩ mô Việt Nam như kiểm soát, đảm bảo lạm phát không quá 5%; điều hành tỷ giá, lãi suất ổn định, phù hợp với tín hiệu thị trường; tăng dự trữ ngoại tệ; bảo đảm bội chi ngân sách Quốc gia năm 2015 là 5% và 5 năm tới (2016-2020) sẽ thấp hơn 5%; nợ công trong giới hạn an toàn; đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bình quân mỗi năm là 10-15%, nhập siêu không quá 5%.
Chính phủ Việt Nam sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; đạt được tăng trưởng kinh tế ở cả 3 khu vực là Công nghiệp, Nông nghiệp và Dịch vụ; phấn đấu GDP tăng trưởng 6,2% trong năm 2015 và trong 5 năm tới (2016-2020) từ 6.5 đến 7%/năm.
Bên cạnh việc tăng trưởng, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tái cơ cấu kinh tế phải đạt mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế thì tiếp tục tập trung đầu tư công cho hiệu quả cao hơn; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, thực hiện cổ phần hóa theo đúng kế hoạch lộ trình đã phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng để đến năm 2016 sẽ không còn ngân hàng yếu kém, vi phạm pháp luật, đưa nợ xấu đạt mức 3% - mức thông thường của kinh tế thị trường để ngân hàng hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch.
Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế bằng việc thực hiện nghiêm túc các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết, từ WTO đến các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Việt Nam vừa ký thêm Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu và hiện nay đang đàm phán ở giai đoạn cuối để ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam đã hoàn tất việc ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do, có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên của G-20. Đây là nền tảng rất quan trọng để tạo ra thị trường và môi trường đầu tư phát triển kinh doanh phù hợp không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam mà cả với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là cải cách thể chế, huy động các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cho các nhu cầu phát triển.
Về cải cách thể chế kinh tế thị trường, theo Thủ tướng, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải vận hành đầy đủ theo quy luật, quy tắc của kinh tế thị trường, trong đó là giá cả thị trường, phân bổ nguồn lực thị trường, tiếp cận nguồn lực thị trường và sử dụng nguồn lực thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước bằng công cụ, chính sách, nguồn lực của mình sẽ đảm bảo cho phát triển văn hóa, tiến bộ công bằng xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống người dân.