Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á năm 2014. (Ảnh: TTXVN)
Tham dự Diễn đàn năm nay còn có Tổng thống Indonesia Bambang Yudhoyono, Phó Tổng thống Myanmar Nyan Tun. Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn, chiều nay 22/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực và sẽ không thể có phát triển nếu không có hòa bình và ổn định.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương đang là khu vực tăng trưởng nhanh và năng động trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn có những biểu hiện suy giảm tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế trong khu vực. Một trong những nguyên nhân là động lực của mô hình tăng trưởng hiện nay không còn đủ mạnh. Vì vậy, chúng ta cần tạo thêm những động lực mới để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững, đó là hội nhập quốc tế và đổi mới thể chế kinh tế.
Thủ tướng cho biết về phần mình, Việt Nam tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015; đàm phán nhiều hiệp định kinh tế với các nước trên thế giới , do vậy, đây là những cơ hội tốt để các doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh đầu tư với Việt Nam cũng như với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thủ tướng cũng cho rằng, Diễn đàn WEF Đông Á năm nay đặt trọng tâm vào “thúc đẩy tăng trưởng vì sự tiến bộ đồng đều” là sự lựa chọn phù hợp. Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy cải cách trong nước đi đôi với hội nhập quốc tế là phương thức hiệu quả để tạo nên nguồn động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững. Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm xây dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh cao gắn với công bằng và tiến bộ xã hội, thân thiện với môi trường.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt nhấn mạnh đến hòa bình và ổn định ở khu vực.
Bình luận ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab đã nêu rõ, mặc dù Diễn đàn kinh tế thế giới là tổ chức trung lập, và thiên về thảo luận các vấn đề quốc tế, nhưng những nguy cơ đối với ổn định và pháttriẻn kinh tế cũng cần được xem xét. Ông Chủ tịch kêu gọi các bên có bất đồng cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình; thông qua đói thoại. Chủ tịch Diễn đàn kinh tế Thế giới nhấn mạnh chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu hóa, rất cần cùng nhau bảo đảm cho hòa bình toàn cầu.
Sau phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự phiên đối thoại với doanh nghiệp và trao đổi với một số doanh nghiệp và các bạn trẻ Việt Nam trong cộng đồng các nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu.
Ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã tổ chức họp báo quốc tế để giải thích thêm về nội dung phát biểu của Thủ tướng về vấn đê Biển Đông tại các phiên thảo luận, gặp gỡ, tiếp xúc và phiên họp toàn thể của Diễn đàn kinh tế tế thế giới về Đông Á.