Thủ tướng yêu cầu xóa bỏ tâm lý sợ trách nhiệm

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 01/08/2019 21:15 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

VTV.vn - Hôm nay (1/8), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ bàn về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2019.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 bắt đầu từ sáng nay (1/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một mặt công bố nhiều tin vui của nền kinh tế song Thủ tướng cũng yêu cầu cán bộ ở các tỉnh, thành trọng điểm về kinh tế phải xóa bỏ tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm trong phê duyệt các dự án đầu tư ở bộ, ngành và địa phương mình.

Thủ tướng cho biết, sáng sớm nay (1/8), Nikkei vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng, một thước đo về "sức khỏe" của ngành sản xuất của Việt Nam tháng 7 tăng lên 52,6 điểm. So với các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục đứng thứ hai sau Myanmar nhưng trên Philippines và Thái Lan. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn nhưng các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng phát triển châu Á vẫn đánh giá Việt Nam tăng trưởng 6,8%, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng 6,5%, Ngân hàng Thế giới là 6,6% và HSBC là 6,7%. Mặc dù xuất khẩu ở nhiều nước sụt giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trên 7%, còn sức tiêu thụ của thị trường trong nước vẫn tiếp tục được mở rộng, thu ngân sách nhà nước trong 7 tháng tăng cao. Đây chính là thực lực thực chất của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan. Vì sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp hơn năm ngoái, còn nông nghiệp đang rất khó khăn do hạn hán, dịch tả lợn châu Phi và giá nông sản xuống thấp, nên tăng trưởng nông nghiệp 7 tháng qua chỉ đạt gần một nửa so với năm ngoái. Dù Xuất khẩu vẫn tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tăng thấp, một số mặt hàng có kim ngạch lớn như điện thoại và linh kiện điện tử đang gặp khó khăn. Trong khi đó, khách du lịch, nhất là từ Trung Quốc cũng chậm lại.

Từ tình hình này, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp và địa phương phải tận dụng được những cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do mang lại, không tiếp tục chính sách xuất khẩu hàng hóa và nông sản sang Trung Quốc qua đường mòn, lối mở, cửa khẩu phụ mà thay vào đó phải đẩy mạnh xuất khẩu chính. Đi cùng với phải có các hành động cụ thể và có kết quả bằng con số để hướng tới cân bằng thương mại với các đối tác thương mại lớn. Thủ tướng cũng khẳng định lại thái đội kiên quyết của Chính phủ trong xử lý buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam, như vụ Asanzo.

Để ứng phó hiệu quả với các thách thức từ bên ngoài và từ nội tại nền kinh tế nhằm bảo đảm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước đạt 6,8% và kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương càng trong khó khăn thì càng phải có ý chí vượt khó, không thoái trí. Trong đó việc đầu tiên là phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là phải triển khai nhanh các dự án giao thông trọng điểm.

Để thúc đẩy nền kinh tế hướng tới tự cường và có thể ứng phó hiệu quả với các cú sốc từ bên ngoài, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải sớm đề xuất các giải pháp với Chính phủ và Quốc hội khắc phục sự chồng chéo và chưa rõ ràng giữa các văn bản quy phạm pháp luật khiến nhiều dự án không thể triển khai được, còn cán bộ thì không dám làm. Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ có tham nhũng thì mới bị xử lý nghiêm, nên lãnh đạo các bộ ngành và địa phương cũng phải dũng cảm tháo gỡ khó khăn về thể chế để thúc đẩy đầu tư, kinh doanh nhất là cho khu vực khu vực kinh tế tư nhân, vì hiên nay, khu vực này đã chiếm tới ¾ tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nếu không nền kinh tế sẽ gặp khó trong bối cảnh khó lường của tình hình thế giới và khu vực như hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc vận động người dân và doanh nghiệp giảm sử dụng đồ nhựa một lần đang đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải xây dựng chính sách để hạn chế đồ nhựa sử dụng một lần, giảm chôn lấp rác thải, đi cùng với hành động mạnh mẽ đối với hành vi nhập lậu rác thải vào Việt Nam như các nước đã làm. Thủ tướng nhấn mạnh khi Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu ở châu Á thì cũng phải đi đầu trong trong việc xử lý rác thải, nhất là chống lại việc xả rác thải nhựa ra đại dương. Thủ tướng yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành và các đoàn thể nhất là đoàn thanh niên phải có trách nhiệm thực hiện chủ trương này, chứ không chỉ tổ chức phát động phong trào ở Hà Nội rồi bỏ đó không làm gì.

Tại phiên họp này, Chính phủ cũng thảo luận về những vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, và Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong 5 năm tới. Trong đó, Đề án đã tích hợp 118 chương trình và dự án hiện có để tập trung nguồn lực nhà nước và huy động các nguồn lực khác nhằm đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo cho khu vực này, cũng như xóa mũ chữ, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và sinh con tại nhà hiện đang chiếm tỷ lệ từ 31-36%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các địa phương đã tổ chức khá thành công kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, mọi công việc đã nề nếp, chất lượng và chống được tiêu cực tốt hơn so với năm ngoái, nên đến giờ phút này chưa phát hiện sai phạm. Đây là điều đáng được biểu dương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước