Tiến độ GPMB: Cần cơ chế mang tính dài hạn

Đặng Tú-Thứ bảy, ngày 03/08/2013 07:54 GMT+7

 Cho dù có vốn nhưng nhiều dự án giao thông lại không thể giải ngân được, nguyên nhân chính vẫn là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Trong khi nguồn vốn đầu tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thì nguồn vốn ODA của các nhà tài trợ đang trở thành một phần quan trọng để ngành giao thông hoàn thành mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên có một nghịch lý: cho dù có vốn nhưng nhiều dự án giao thông lại không thể giải ngân được. Nguyên nhân chính vẫn là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và nếu nút thắt này không sớm được giải quyết, rất có thể nhiều đối tác nước ngoài sẽ dừng tài trợ và tình trạng tăng tổng mức đầu tư ở nhiều dự án vẫn tiếp tục tái diễn.

Huyện Nhà Bè là một trong những địa phương có tiến độ giải ngân giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cao nhất (gần 1 tỷ USD), nhưng cũng chỉ đạt khoảng 30%. Đại diện UBND huyện cho biết, tiến độ giải phóng mặt bằng không cao bởi lẽ chủ đầu tư chưa bố trí được nguồn kinh phí.

‘ Ảnh minh họa. Nguồn: Lao động

Theo đại diện chủ đầu tư, năm 2013 cần khoảng 1.200 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, nhưng nguồn vốn hiện có mới chỉ đáp ứng 10% tổng mức. Hiện tổng công ty đã đề nghị Bộ GTVT bố trí phần vốn thiếu hụt này và dự kiến sẽ giải ngân đủ trong quý 3 và quý 4 năm 2013. Tuy nhiên, cũng theo chủ đầu tư, khả năng chậm khởi công dự án do không giải phóng được mặt bằng vẫn có thể xảy ra, kéo theo hàng loạt hệ lụy khác ảnh hưởng chung đến tiến độ của toàn dự án.

Không chỉ dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng, mà hàng loạt dự án giao thông lớn như quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, tuyến Nội Bài - Lào Cai, cầu Nhật Tân, đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh... cũng không thoát khỏi tình trạng này. Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những khó khăn chung thì ngay cả chính sách hỗ trợ GPMB giữa Việt Nam và các nhà tài trợ cũng nảy sinh những khác biệt.

Ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Theo quy định ở Việt Nam, những trường hợp được đền bù phải có giấy tờ hợp pháp nhưng có đối tác lại cho rằng, phải đền bù hết”.

­Cũng liên quan đến vấn đề chính sách, đại diện Bộ GTVT cho rằng, nếu không có những cơ chế mang tính trung và dài hạn thì việc GPMB không những ngày càng khó khăn hơn, mà còn ảnh hưởng đến việc bố trí nguồn vốn đối ứng cho các dự án có nguồn vốn ODA.

Đã có một số dự án giao thông bị nhà tài trợ cảnh báo dừng đầu tư, cảnh báo phạt chủ đầu tư và cũng có nhiều dự án bị tăng tổng mức đầu tư do không giải phóng được mặt bằng. Theo thông tin mới đây, Bộ GTVT đã trình Chính phủ cho ứng trước khoảng 3.500 tỷ đồng nhằm bổ sung nguồn vốn đối ứng và phần lớn số kinh phí này sẽ tập trung vào công tác GPMB cho các dự án.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước