TS Hoàng Anh Tuấn trao đổi về xu hướng an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại trường quay "Toàn cảnh thế giới"
Đánh giá về sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong những năm qua, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng: “Về mặt tích cực, có thể thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc so với các cường quốc khác là hết sức ấn tượng vì đã giúp mức độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này cao hơn trong suốt 36 năm qua, giúp nâng cao đời sống của người dân Trung Quốc về mọi mặt, góp phần đưa 700 triệu người Trung Quốc thoát nghèo trong một thời gian tương đối ngắn. Đồng thời, sự trỗi dậy này giúp Trung Quốc có một vị thế mới ở khu vực và trên thế giới.
Còn về mặt trái trong sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể thấy đã tạo ra khoảng cách giàu – nghèo giữa người dân và các vùng miền với nhau, các mâu thuẫn xã hội trong quá trình phát triển cũng hình thành và vấn đề ô nhiễm môi trường, khan hiếm nguồn nước, cạn kiệt tài nguyên…
Bên cạnh đó, mức độ tăng trưởng quân sự của Trung Quốc cũng lớn hơn mức độ tăng trưởng kinh tế. Điểm này gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực rằng liệu sự trỗi dậy này có hòa bình hay không”.
Có thể thấy, Trung Quốc đã mất rất nhiều năm và vẫn tiếp tục nỗ lực để chứng minh cho thế giới thấy rằng Trung Quốc đang trỗi dậy một cách hòa bình và sự phát triển hòa bình của Bắc Kinh sẽ đem lại một sự ổn định và thịnh vượng cho khu vực và thế giới. Tuy nhiên, qua những hành động của Trung Quốc được thể hiện tại cả khu vực Biển Đông lẫn Hoa Đông trong thời gian qua, có thể thấy, giới lãnh đạo Trung Quốc đã đánh mất hoàn toàn lòng tin vào điều gọi là “sự trỗi dậy hòa bình đó”.
Phân tích về thực tế này, ông Hoàng Anh Tuấn cho hay: “Nhìn lại sự trỗi dậy của các cường quốc khác trong 500 năm qua, có thể thấy họ trỗi dậy rất mạnh về kinh tế. Sau khi trở thành cường quốc kinh tế, họ trở thành cường quốc quân sự. Thứ hai, họ có chính sách đối ngoại cứng rắn. Thứ ba, họ xem thường lợi ích của các nước khác, theo đuổi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và vi phạm luật pháp quốc tế. Thứ tư, họ tìm cách tạo ra một khu vực ảnh hưởng riêng của mình và tìm cách chiếm đoạt thị trường hay xâm chiếm lãnh thổ.
Như vậy, sự trỗi dậy của Trung Quốc có lẽ cũng không khác mấy so với các cường quốc trong lịch sử nhưng lần này lại nguy hiểm hơn. Hiện nay, thế giới đã chuyển sang giai đoạn văn minh, Trung Quốc vẫn hành xử như một nước lớn và coi thường lợi ích của các nước khác.
Nguyên nhân có sự trỗi dậy mạnh mẽ, nguy hiểm này có lẽ do vấn đề đối nội của Trung Quốc gặp khó khăn sau khi có người lãnh đạo mới từ đó hướng tới các vấn đề đối ngoại. Thứ hai, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng đây là thời điểm thuận lợi khi ASEAN và Mỹ đang suy yếu. Họ cho rằng khi Nga sáp nhập Crimea, Mỹ đã có những phản ứng vừa phải. Nên, nếu Trung Quốc có hành động gây hấn, Mỹ cũng chỉ có những phản ứng có chừng mực.
Thứ ba, về mặt chiến lược, Đại hội 18 của ĐCS Trung Quốc, họ đã đặt ra mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc biển và Trung Quốc cần có một sự kiểm soát, khống chế đối với khu vực Biển Đông. Đây là điều Trung Quốc đang hành xử trong thời gian qua.
Nhìn lại những tính toán đó, Trung Quốc cho rằng tuy hình ảnh bên ngoài của họ có thể bị hoen ố, bị các quốc gia khác chỉ trích nhưng cũng không là gì so với lợi ích mà Trung Quốc đạt được nếu như Trung Quốc có thể kiểm soát, khống chế được Biển Đông. Và Trung Quốc đã bất chấp tất cả để có những hành xử trong thời gian vừa qua”.
‘ Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn
Trước thực tế đó, theo ông Hoàng Anh Tuấn, xu hướng an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể diễn ra theo 2 chiều hướng. “Thứ nhất, nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành xử như hiện nay có thể làm cho tình hình an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương xấu đi và sẽ không loại trừ xung đột, chiến tranh. Đây là điều hết sức lo ngại và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, hòa bình trong khu vực.
Thứ hai, Trung Quốc có thể nhận thấy sự phản ứng của các nước trong khu vực và trên thế giới sẽ dẫn đến những thiệt hại lớn hơn dự tính và sẽ phải điều chỉnh lại hành xử của mình. Sự điều chỉnh này sẽ làm cho tình hình trong khu vực trở nên yên ả hơn, sẽ có hòa bình, ổn định. Đây là điểm tích cực mà nhiều nước mong muốn”.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, Việt Nam cần có “sự điều chỉnh tổng thể để tạo nên sức mạnh mới, vị thế mới” để phù hợp với tình hình hiện nay: “Tôi muốn nhấn mạnh 2 điểm. Thứ nhất, cần tạo sự thống nhất trong nước để tạo thế mạnh cho ngoại giao. Nghĩa là cần tăng cường nội lực trong nước về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, tạo ra sự thống nhất về ý chí, đồng lòng bảo vệ chủ quyền. Thứ hai, chúng ta cần biết phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đây cũng là thế mạnh của chính nghĩa, thế mạnh dựa trên luật pháp quốc tế và được quốc tế ủng hộ”.
Để có thể lắng nghe rõ hơn những phân tích của TS. Hoàng Anh Tuấn, quý vị và các bạn có thể click video dưới đây: