Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xin lỗi người bị kết án oan Phạm Đức Bình

Ngọc Hà-Thứ sáu, ngày 04/04/2014 20:01 GMT+7

Ông Bình cho biết, năm 2001 là thời điểm ông cảm thấy tuyệt vọng và cơ cực nhất.

14 năm sau khi tuyên án sai, sáng nay (4/4), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức xin lỗi công khai ông Phạm Đức Bình, người đã bị kết án oan.

Việc công khai cải chính, xin lỗi ông Phạm Đức Bình được thực hiện theo quy định Nghị quyết 388 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

Năm 2000, Phạm Đức Bình, là Cửa hàng trưởng Cửa hàng dịch vụ tổng hợp và tiêu thụ sản phẩm, thuộc Công ty cơ giới và xây lắp đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên 30 tháng tù cho 2 tội danh tham ô và sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa. Sau khi kháng cáo kêu oan. Đến tháng 1/2001, tại phiên phúc thẩm, Tòa án nhân dân Tối cao đã tuyên hủy toàn bộ nội dung kết tội ông Bình tại phiên tòa sơ thẩm, đồng thời tuyên ông Bình vô tội. Sau 13 năm đòi trả lại danh dự, đến hôm nay ông mới được nhận lời xin lỗi, nhưng chưa được bồi thường.

Ông Đào Vĩnh Tường, Chánh tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội nói: “Thay mặt lãnh đạo tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, tôi công khai xin lỗi ông Phạm Đức Bình về việc tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã kết án oan đối với ông. Việc cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ được tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện ngay sau buổi xin lỗi hôm nay. Các quyền lợi của ông Bình được giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật”.

Một lời xin lỗi, dẫu muộn màng cũng đã đến với ông Bình sau 13 năm kiên nhẫn và gan góc chờ đợi. Tòa tuyên vô tội khi ông Bình đã mất nhà cửa, bị khai trừ khỏi Đảng, chỉ còn hai bàn tay trắng. Sau buổi xin lỗi công khai, ông Bình mong rằng pháp luật luôn công bằng để không thêm ai khác bị oan khuất như ông.

Ông Phạm Đức Bình, người bị kết án oan năm 2000 nói: “Tòa tuyên vô tội năm 2001 và cao điểm tuyệt vọng của tôi cũng là năm 2001. Lý do là về công ty không trả tôi cửa hàng, không phục hồi, không bố trí cửa hàng cho tôi. Trong khi đó, nhà cửa bị cơ quan thi hành án phong tỏa. Đây chính là lá đơn mà lúc tôi tuyệt vọng nhất đây. Lúc đó, tôi đã nghĩ đến cái chết. Sau này nhờ bạn bè động viên an ủi và các con cho mình động lực để sống”.

Khó có thể đong đếm được những thiệt hại vật chất và tinh thần mà ông Bình đã phải chịu đựng suốt hơn 10 năm qua. Trước khi có nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc bồi thường oan sai đã được thực hiện ở một số vụ việc song chưa thành một chủ trương lớn và việc thực hiện cũng chưa thống nhất. Với nghị quyết 388 thì việc bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự, xin lỗi, cải chính công khai cho người bị oan đã được thực hiện theo một quy định thống nhất và có hệ thống. Đây được xem như là bước tiến góp phần đẩy mạnh cải cách tư pháp cũng như thực hiện quyền dân chủ, tôn trọng, đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp đã có hiệu lực thi hành kể từ đầu năm nay.

Mời quý độc giả theo dõi video chi tiết:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước