Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri Hà Nội

Phương Mai -Thứ sáu, ngày 27/09/2013 21:30 GMT+7

 Chiều 27/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội - đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri quận Ba Đình.

Sau khi nghe báo cáo những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 sẽ khai mạc vào ngày 21/10, cử tri quận Ba Đình đã kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng như Quốc hội phải tiếp tục nâng cao chất lượng làm Luật, sửa đổi Luật Đất đai phải theo hướng bảo đảm quyền lợi cho người dân khi bị thu hồi đất cũng như những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, cử tri yêu cầu ĐBQH kiến nghị với các cơ quan Nhà nước cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp trước, cử tri nhận xét, đây là những kết quả bước đầu đáng ghi nhận nhưng để đảm bảo thực chất thì Quốc hội cần cân nhắc việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên ở 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.

‘ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cử tri quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Ảnh: Cổng ĐT chính phủ

Về công tác phòng chống tham nhũng, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ) cho rằng, kết quả chưa được như mong muốn vì tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, nhưng việc xét xử còn quá ít so với hàng chục nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Do vậy cử tri kiến nghị, trong nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng cần ưu tiên vào nhóm biện pháp làm trong sạch cán bộ đứng đầu, trong sạch bộ máy chống tham nhũng, có như vậy cuộc chiến chống tham nhũng mới từng bước có hiệu quả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu ý kiến của các cử tri, đồng thời nhấn mạnh đây là những nội dung quan trọng, vừa có tính cấp bách, chiến lược, vừa có tính thời sự, điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc và tâm huyết của cử tri đối với đất nước. Kỳ họp thứ 6 tới đây là kỳ họp Quốc hội cuối năm, theo chương trình, Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến các báo cáo về kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến 11 dự án luật, trong đó đáng chú ý nhất là việc Quốc hội thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước