TP.HCM “căng mình” đối phó với dịch sởi

Thanh Tâm-Thứ ba, ngày 22/04/2014 20:15 GMT+7

Kiểm tra công tác phòng chống bệnh sởi tại bệnh viện Nhi đồng 1. (Ảnh: TTXVN)

Ngành Y tế TPHCM đang “căng mình” đối phó với diễn biến của dịch sởi.

Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM chỉ ngay trong ngày đầu tuần đã tiếp nhận và điều trị nội viện gần 100 trường hợp, trung bình mỗi ngày khoa nội A tiếp nhận khoảng gần 50 ca sởi mắc mới từ TPHCM và các tỉnh phía nam về điều trị. Các bác sĩ đã phải dành toàn bộ khoa nội A chỉ để điều trị bệnh sởi.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng khoa nội A, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết: “Chúng tôi phải gánh đến 30% bệnh nhân từ các tỉnh phía Nam chuyển về nên gây không ít khó khăn cho công tác điều trị”.

Trong khi đó, tại phòng khám tiêm ngừa, viện Pasteur TPHCM, trung bình mỗi ngày có đến gần 2000 người đến khám và tiêm sởi. Trước tình hình này, viện phải kéo dài thời gian khám và tiêm ngừa từ 7h sáng - 5h chiều.

Bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh, Trưởng phòng khám – tiêm ngừa, Viện Pasteur TP.HCM nói: “Tôi nhận thấy có quá nhiều trẻ không được phụ huynh tiêm ngừa lúc 9 tháng tuổi, chỉ vì điều đó mà dịch sởi mới bùng lên dữ dội. Tiêm ngừa chỉ có hiệu quả khi tiêm đủ 2 mũi và tiêm đúng theo quy định thì mới có hiệu quả phòng chống bệnh”.

Theo các bác sĩ, dịch bệnh sởi đang bắt đầu tăng nhanh tại khu vực phía Nam, đặc biệt tại TP.HCM phải gánh áp lực cho các tỉnh thành lân cận. Người dân vì quá lo lắng và hoang mang trước dịch sởi nên vượt tuyến lên TP.HCM khám điều trị và tiêm ngừa quá đông gây ra áp lực lớn đến cán bộ y tế tại TP.HCM.

Trước tình hình tiêm ngừa như hiện nay, để tránh những sai sót và tai biến sau tiêm chủng thì những bảng hướng dẫn phụ huynh quy trình của tiêm cũng đã được dán ở khắp các khu vực chờ tiêm.

Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tiêm phòng cho đến hết tháng 4 và có lẽ vài nơi mà dịch bệnh nhiều, số lượng lớn chúng tôi sẽ tiếp tục tiêm cho đến đầu tháng 5 như quận Bình Chánh, Thủ Đức vì đây là những nơi khó khăn, dân cư biến động liên tục”.

Trước tình hình này, các bác sĩ khuyến cáo đối với các đối tượng trẻ em từ 9 tháng đến 18 tháng tuổi, nguy cơ mắc bệnh sởi và xảy ra biến chứng là cao nhất cần phải được đi tiêm chủng trong đợt này. Nếu chưa tiêm đủ 2 mũi sởi thì dù chưa đến thời gian tiêm mũi thứ 2 vẫn phải đi tiêm. Còn những trường hợp đã mắc bệnh sởi rồi hoặc đã mang mầm bệnh sởi trong người rồi thì việc tiêm phòng sẽ không còn hiệu quả.

Người dân không nên quá lo lắng mà ùn ùn kéo đi tiêm phòng từ người lớn cho đến trẻ con vì mũi tiêm chỉ tạo được kháng thể sau 2 tuần tiêm nên quan trọng nhất ở thời điểm này là phải giữ gìn vệ sinh nhà cửa thoáng mát, rửa tay thường xuyên và khi mắc bệnh cần cách ly ít nhất 4 ngày để tránh lây lan cho người khác.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước