Gác bút nghiên, họ trở thành những phóng viên chiến trường. Ảnh: VTV
Có một điều đặc biệt, đây là lớp phóng viên chiến trường cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày 16/3 cũng là kỷ niệm tròn 40 năm ngày họ lên đường ra trận. Những câu chuyện được chia sẻ đã cho thấy phần nào đóng góp của nhiếp ảnh trong việc ghi chép lại lịch sử đất nước trong những giai đoạn khác nhau và bởi một tinh thần yêu nước, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Ngày 16/3/1973, chuyến tàu đưa 110 phóng viên ảnh lên đường làm nhiệm vụ nơi chiến trường. Đi qua vùng Thanh Hóa đầy những hố bom. Những nụ cười tự tin vào chiến thắng của tuổi hai mươi ngày nào, nay lại trở lại.
110 phóng viên ảnh là lớp phóng viên chiến trường cuối cùng của Thông tấn xã Việt Nam, mang tên GP 10 - Giải phóng 10. Lớp được thành lập để đáp ứng nhu cầu tăng cường đội ngũ phóng viên cho tiền tuyến năm 1973, thời điểm cuộc đấu tranh thống nhất đất nước bước vào giai đoạn nước rút. Khi đó, họ đều là Cử nhân, sinh viên các trường Đại học danh tiếng tại Hà Nội, gác bút nghiên, trở thành những phóng viên chiến trường.
Họ, những phóng viên - người lính, băng rừng, lội suối xẻ dọc Trường Sơn, tỏa đi khắp mọi mặt trận từ Bình Trị Thiên đến mũi Cà Mau, ghi lại cuộc sống lao động, chiến đấu của nhân dân và chiến sỹ. Các trận đánh lớn nơi tiền tuyến, Quân giải phóng nơi chiến trường, Dân quân ở hậu phương… dù có những hy sinh mất mát, nhưng những bức ảnh ghi lại chỉ có một niềm tin chiến thắng.
Nhà báo Nguyễn Phương Thảo, Thành viên lớp GP 10 (1973),Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn đóng góp sức mình cho cuộc chiến đấu của dân tộc, bằng những bức ảnh, dòng tin..."
40 năm, một thế hệ phóng viên ảnh, đi qua "Một thời chiến tranh, một thời hòa bình". Họ và các thế hệ phóng viên ảnh cha anh đã hoàn thành nhiệm vụ của những người ghi lại lịch sử đất nước bằng hình ảnh - một sứ mệnh thiêng liêng trong suốt hành trình 60 năm qua của Nhiếp ảnh Việt Nam.
Mời quý vị xem Video chi tiết tại đây: