Khu vực ĐBSCL là nơi sinh sống của gần 20 triệu người và cũng là vùng canh tác nông nghiệp lớn nhất nước. Trong những năm gần đây, sạt lở ở ĐBSCL không diễn ra theo quy luật nào mà xuất hiện quanh năm. Theo thống kê của các địa phương, hiện ĐBSCL có đến hơn 560 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài trên 800km.
Điều đáng nói là các địa phương hầu như đều thụ động trong việc đối phó với sạt lở, còn người dân vô tư sống cạnh bờ sông. Chỉ đến khi xảy ra sạt lở, địa phương mới tính chuyện di dời dân đến nơi an toàn.
Trước tình hình sạt lở gia tăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL để bàn về giải pháp chống sạt lở. Thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ đưa ra là sẽ dồn nguồn lực để chống sạt lở cho toàn khu vực này, các địa phương phải chủ động ứng phó với sạt lở. Đây cũng là mong muốn của hàng nghìn người dân ĐBSCL. Theo các chuyên gia, muốn thực hiện được nhiệm vụ này, cần phải xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở cho toàn vùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!