Sáng 6/2, tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF tại Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh & Xã hội lần đầu tiên công bố báo cáo sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trẻ em và thanh niên Việt Nam. Tỷ lệ hiện mắc các chứng tâm thần chung ở các em là 8-29%.
Buổi báo cáo được mở đầu với câu chuyện 1 nữ sinh lớp 7 của Hà Tĩnh mới đây đã tự tử tại lớp học. Em là một học sinh ngoan, học giỏi, thời gian gần đây ít tiếp xúc với bạn bè.
Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội như lo âu, trầm cảm, cô đơn và các vấn đề hướng ngoại như tăng động và giảm chú ý. Tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên Việt Nam đang có khả năng gia tăng nhưng theo kết quả nghiên cứu là thấp so với các quốc gia trên thế giới. Lạm dụng chất, đặc biệt là thuốc lá, các chất gây nghiện phổ biến trong nam vị thành niên Việt Nam (gần 40%).
Hiện có khoảng 3 triệu trẻ em, thanh thiếu niên có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần nhưng nhiều địa phương không có các dịch vụ này, thiếu các nhà tư vấn tâm lý cho các em.
Theo nghiên cứu, những rối loạn cảm xúc, trong đó có trầm cảm và tự tử thường xuyên xuất hiện ở nhiều thanh thiếu niên. Nguyên nhân chính là những áp lực từ gia đình, nhà trường, những kỳ vọng quá cao dành cho các em, thiếu giao tiếp thấu hiểu của các thành viên trong gia đình và những thất bại trong các mối quan hệ tình cảm... Internet cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng này. Trẻ em nữ dễ có suy nghĩ tự tử và gây tổn hại bản thân hay cô lập bản thân.
Cũng theo báo cáo công bố sáng 6/2, thanh niên từ 18 - 21 tuổi có ý định tự tử ở mức cao nhất. Phụ nữ có ý định tự tử nhiều hơn nam giới gấp 2 lần. Đại đa số trẻ em đã từng có ý định muốn tự tử sống trong các gia đình có cha mẹ trình độ học vấn thấp và làm lao động chân tay.
Sau đây là ý kiến của các chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu của UNICEF và Bộ Lao động Thương binh & Xã hội về kết quả nghiên cứu này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!