Sở dĩ câu chuyện này được đề cập bởi vấn đề ngày càng trở nên đáng quan ngại hơn khi cách đây chừng nửa tháng, có 3 thanh niên là bạn bè nhau cùng rủ nhau đến Cầu Thuận Phước gieo mình tự vẫn. 2 người chết, 1 người được cứu kịp thời. Liệu có một hội chứng nào chăng về tình trạng tự tử tại địa điểm này?
Báo cáo của công an phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng), đơn vị quản lí khu vực cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã có 7 vụ nhảy cầu Thuận Phước với mục đích tự tử. Đặc biệt nghiêm trọng là đúng 1 tháng sau đó, ngày 21/11, có 3 thanh niên đều ở Quảng Nam đã đến cầu Thuận Phước để thực hiện hành vi tự tử, sau đó 2 người đã chết còn 1 người được cứu sống kịp thời. Sáng 5/12 công an phường Nại Hiên Đông cũng đã kịp thời cứu được 1 nam thanh niên 20 tuổi đã trèo qua khỏi thành cầu Thuận Phước với mục đích tìm đến cái chết.
Theo các chuyên gia tâm lý nguyên nhân chính của các vụ tự tử này là chỉ vì một phút nông nổi, thiếu suy nghĩ thấu đáo, chỉ vì mất lí trí do sử dụng chất kích thích hay rượu bia, cảm giác chán nản cuộc sống, giận người yêu, giận gia đình. Những người trẻ đã đến với cái chết oan nghiệt nhanh chóng. Nỗi đau để lại cho gia đình là không kể xiết, hệ lụy để lại cho xã hội là không nói hết. Rõ ràng, nạn tự tử - kết thúc sự sống trong giới trẻ đang là hiện tượng cần được nhận diện và có giải pháp ngăn chặn.
Riêng với cầu Thuận Phước, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chủ quản công trình giao thông công cộng này cần có biện pháp hạn chế tụ tập dừng lại trên cầu hoặc có giải pháp ngăn chặn hành vi vượt, leo trên thành cầu khiến người có ý định tự tử không dễ thực hiện được.
Mong muốn gửi đến lời nhắn với những bạn trẻ đang gặp phải những chuyện buồn, bế tắc trong cuộc sống thì trước hết hãy nên bình tĩnh và có những suy nghĩ tích cực để giải quyết vấn đề. Hãy cùng chia sẻ với gia đình, với mọi người những ẩn ức, lo toan để hóa giải nó bởi cuộc sống sẽ càng có ý nghĩa hơn khi mỗi người đều biết đem lại niềm vui cho mọi người.