2 tháng trước đây, Bộ Tài chính đã công bố việc sửa đổi 5 luật về thuế với một loạt đề xuất tăng, từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân đến giá trị gia tăng - VAT. Bộ Tài chính cho biết, việc sửa đổi sẽ giúp cơ cấu lại hợp lý nguồn thu. Được biết, trong các loại thuế được đề xuất sửa đổi thì thuế VAT được đề xuất sửa nhiều nhất. Cụ thể, nhiều mặt hàng đang chịu thuế 5% lên 6%, hoặc 10% lên 12%.
Nhiều mặt hàng cũng vào diện chịu thuế VAT như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ... Bộ Tài chính cho biết, việc tăng thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước sản xuất những mặt hàng chịu thuế bằng 50% mức thuế suất thông thường, đảm bảo những mặt hàng này cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu cùng loại.
Trước thông tin này, Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam - VCCI đã có văn bản gửi đến Bộ Tài chính, góp ý sửa đổi 5 luật thuế là Giá trị gia tăng - VAT, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp, cá nhân và thuế tài nguyên.
Theo đơn vị này, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc lại việc tăng thuế VAT vì đây là loại thuế lũy thoái đánh vào người tiêu dùng. Việc tăng cùng một mức thuế có thể gây nhiều ảnh hưởng đến người có thu nhập thấp do những người này có tỷ lệ chi tiêu cho tiêu dùng trên tổng thu nhập cao hơn những người thu nhập cao. Việc tăng thuế VAT sẽ tạo ra chi phí đẩy nhưng cũng đồng thời gây nên giảm sức cầu trên thị trường, có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong đó các doanh nghiệp dân doanh là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất. Như vậy, xét về tác động xã hội, việc tăng thuế VAT có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, gây khó khăn hơn cho các hoạt động xoá đói giảm nghèo và có thể kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội khác.
Liên quan tới quyết toán thuế thu nhập cá nhân, VCCI cho biết nếu bỏ quyết toán thuế, hoàn thuế hay nộp thêm thuế thu nhập cá nhân... có thể ảnh hưởng đến tính luỹ tiến của loại thuế này, gây ra tình trạng tránh thuế hợp pháp, làm lợi cho những cá nhân có thu nhập rất cao hoặc vãng lai, mà ảnh hưởng đến người thu nhập thấp.
Đại diện VCCI cho biết, Bộ Tài chính sẽ phải cân nhắc một số hệ quả của chính sách này. Cụ thể, chi phí thuế tăng có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm trong những năm trở lại đây thì việc tăng thuế sẽ càng làm trầm trọng thêm thực trạng này. Theo một đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với mô hình phát triển như hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ suy giảm ở mức 1% sau mỗi thập kỷ, và tác động của việc tăng thuế sẽ đẩy nhanh hơn mức suy giảm này.
Ngoài ra, trong 3 nhóm doanh nghiệp là quốc doanh, dân doanh trong nước và FDI thì các doanh nghiệp dân doanh trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc tăng thuế VAT. Các doanh nghiệp FDI hiện nay tập trung nhiều vào việc sản xuất hàng xuất khẩu, không chịu thuế VAT. Các doanh nghiệp nhà nước mặc dù cũng phải nộp thuế nhiều hơn nhưng sau đó có thể được thụ hưởng từ các khoản chi đầu tư tăng thêm có được từ tiền tăng thuế. .
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!