Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên được định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước nên không có chuyện đánh tráo khái niệm "thu phí" thành "thu giá".
Theo giải thích của Bộ trưởng Bộ GTVT, BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí mang tính chất của Nhà nước, do đó cần chuyển từ thu phí sang thu giá. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, sự xuất hiện của cụm từ không có trong ngôn ngữ Việt theo cách giải thích của Bộ GTVT không đáng lo ngại bằng việc hiểu sai về các dự án BOT, có thể thấy được điều này qua chuỗi xáo trộn tại những trạm BOT trên cả nước trong thời gian vừa qua.
Và việc thay đổi thuật ngữ "thu phí" thành "thu giá" đã tạo ra những ý kiến trái chiều vào thời điểm hiện tại. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, phải hiểu đúng bản chất của hai khái niệm "thu phí và thu giá": "Hiểu thế nào cho đúng bản chất. Chúng ta phải đi từ khái niệm. Phí và giá được điều chỉnh theo hai luật khác nhau. Giá được điều chỉnh bởi Luật Giá năm 2012. Trong khi đó, phí và lệ phí được điều chỉnh bằng Luật Phí và lệ phí ban hành năm 2015.
Giữa phí và giá có điểm gì giống và khác nhau? Thực chất, bản chất của phí là một loại giá. Cả hai đều biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa dịch vụ. Tuy nhiên, phí lại có điểm khác giá, đó là phí mang tính chất phục vụ nhiều hơn. Theo đó, các cơ quan công quyền, dịch vụ công thì thường dùng là "thu phí", nộp phí. Đối với giá, nhiều người vẫn sử dụng là trả giá và nhận giá, ít khi dùng từ "thu giá". Tuy nhiên, nếu nói về bản chất kinh tế, sử dụng từ "thu giá" cũng không sai nhưng không phổ biến".
"Việc ‘thu phí’ phải nộp vào ngân sách, hoặc để lại một phần. Trong khi đó, giá là sự thỏa thuận giữa hai bên, bên nhận giá được toàn quyền quyết định", PGS.TS Ngô Trí Long cho biết thêm.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, việc thay đổi này nhằm đảm bảo cho việc linh động bởi ‘giá’ được cân đối theo phương án tài chính còn ‘phí’ muốn thay đổi phải thông qua HĐND tại các địa phương. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: "Theo quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dùng thuật ngữ "thu giá" sẽ linh động hơn. Phí là do cơ quan lập pháp, gồm HĐND hoặc Quốc hội, quyết định; giao ủy quyền cho một cơ quan chức năng dự toán chi phí đó. Chi phí đó được phê duyệt hay không phụ thuộc vào cơ quan lập pháp.
Nếu dùng thuật ngữ "phí", khi quyết định hoặc phê duyệt, cơ quan thừa hành của cơ quan lập pháp là Bộ Tài chính phê duyệt. Nếu dùng khái niệm "giá", đó là sự thỏa thuận, trao đổi giữa hai bên. Chúng ta thấy ‘giá’ là sự trao đổi trên cơ sở ngang giá, nếu sản phẩm đó thuộc lĩnh vực cạnh tranh thực sự thì thị trường quyết định, không phải do người mua và người bán. Nếu giá đó thuộc lĩnh vực độc quyền hoặc giữ vị trí thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền nhóm, phải có cơ quan quản lý quyết định. Ví dụ, giá điện đang là độc quyền, xăng dầu là độc quyền nhóm… phải có cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Nếu chuyển sang thuật ngữ "thu giá" đối với BOT, BOT chính là hoạt động độc quyền, thì công ty đầu tư không được quyền quyết định mà phải có một cơ quan có thẩm quyền đứng ra định giá. Cụ thể trong trường hợp này là Bộ GTVT".
Cho biết ý kiến về việc thay đổi thuật ngữ này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng về mặt luật pháp, sự thay đổi này chưa chuẩn xác. Ông Long lý giải: "Vì "phí" do cơ quan lập pháp quyết định. ‘Giá’ là sự thỏa thuận giữa hai bên do thị trường quyết định. Đối với các nhà ngôn ngữ học, thực tế chưa bao giờ họ nghe thấy từ "thu giá". Với khái niệm mới này, nhiều người cho rằng nó nghịch nhĩ – tức là nghe không thuận tai. Nhưng về bản chất kinh tế, trong việc trao đổi mua bán, cũng có thể dùng được. Nếu người bán, bán một sản phẩm nào đó, người mua trả giá, người bán nhận giá, tức thu giá, nhưng ít khi sử dụng".
"Theo tôi, mục tiêu của Bộ GTVT chuyển từ "thu phí" thành "thu giá", tức là từ cơ chế 'phí' chuyển thành 'giá' về mặt pháp luật là chưa ổn. Trong bối cảnh hiện này, BOT bị cho là có phí quá cao vì thế để dung hòa, thích ứng với cơ chế thị trường, chuyển sang giá để phù hợp trên cơ sở cung cầu. Cung cao hơn cầu thì giá giảm và cung thấp hơn cầu thì giá tăng. Bộ trưởng Thể muốn tạo sự linh hoạt, tuy nhiên không phải tùy tiện. Việc chuyển "thu phí" thành "thu giá" phải được sự chấp thuận của cơ quan lập pháp", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ quan điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!