Tuần qua, thị trường bán lẻ trở nên náo nhiệt trước thông tin 2 công ty VinCommerce và VinEco sẽ sáp nhập với Masan để thành lập một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu của Việt Nam. Đây đều là những cái tên lớn của doanh nghiệp Việt Nam nên khi kết hợp lại, sẽ thành một doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam rất mạnh. Cần phải lưu ý rằng hiện Vincommerce đang vận hành hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích thương hiệu VinMart và VinMart+ với khoảng 2.600 điểm cửa hàng trên 50 tỉnh thành.
Những con số đó càng cho thấy rằng, thương vụ chuyển giao VinCommerce, VinEco cho Masan sẽ vẽ lại thị trường phân phối, bán lẻ trong thời gian tới. Vậy cụ thể thì 2 bên đã cam kết với nhau những gì? Và tại sao VinGroup lại chuyển giao cho Masan 2 công ty của họ?
Trả lời trên tờ Tuổi trẻ, ông Nguyễn Việt Quang, phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VinGroup cho biết việc chọn Masan làm đối tác là chọn mặt gửi vàng. Ngay từ ban đầu, VinGroup chỉ chọn doanh nghiệp Việt Nam nhằm giữ thị trường bán lẻ cho người Việt, đảm bảo sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất trong nước.
Còn nguyên nhân sâu xa của việc chuyển giao là do Vingroup thay đổi chiến lược phát triển với định hướng tập trung vào công nghệ, công nghiệp. Được biết, sau khi sáp nhập, Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, qua đó tối ưu hóa thể mạnh của mỗi bên. Các khách hàng của VinCommerce sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi.
Việc không chọn các nhà đầu tư ngoại mà VinGroup lại chuyển mảng bán lẻ siêu thị và cửa hàng tiện ích cho công ty hàng tiêu dùng Masan là động thái khá bất ngờ. Và theo nhận định của tờ Người lao động ngay, thị trường cần có thêm những cái bắt tay giữa các doanh nghiệp bán lẻ nôi địa để tăng sức mạnh và tạo nên những chuỗi khép kín. Thậm chí, ấn phẩm này còn ví thương vụ này như "hổ mọc thêm cánh".
Tờ Người lao động phân tích đây không phải là thương vụ sáp nhập mà hợp lực thành một tập đoàn hàng tiêu dùng bán lẻ tầm cỡ, hướng tới quy mô khu vực. VinGroup cần đối tác tiềm lực mạnh, Masan thì cần đầu tư mảng bán lẻ để hoàn thiện chuỗi sản xuất, phân phối khép kín. Tuy vậy, liên minh này sẽ đặt các doanh nghiệp bán lẻ khác vào sức ép cạnh tranh lớn hơn, buộc họ cũng phải tính đến phương án hợp lực.
Động thái bắt tay trên cũng cho thấy một điều rằng, các doanh nghiệp Việt Nam giờ đã trưởng thành hơn, biết liên kết lại với nhau vì lợi ích chung, và cũng để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Sự bắt tay giữ hai đại gia tiêu dùng và bán lẻ này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh thời gian qua chứng kiến sự đổ bộ của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam. Hàng Việt có nguy cơ bị loại khỏi các hệ thống siêu thị ngoại. Do vậy, theo tờ Đại đoàn kết, cuộc "hôn nhân" bán lẻ này có ý nghĩa rất lớn với ngành bán lẻ nước nhà.
Nó sẽ tạo đà cho ngành bán lẻ bứt phá trong thời gian tới. Cú bắt tay cũng thể hiện tinh thần đoàn kết của các doanh nghiệp Việt, đồng tâm gắn kết cùng phát triển vì một mục tiêu chung là thúc đẩy nền kinh tế nước nhà, nâng sức cạnh tranh, vững tin hội nhập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!