Vụ lợi tâm linh từ lễ hội

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 27/02/2018 07:26 GMT+7

VTV.vn - Với nhiều người, chùa chiền là nơi đến để cầu xin, Thánh thần và Phật có thể mua được bằng đồ lễ.

Trong tâm thức của một bộ phận khách trẩy hội đầu năm, dường như đã và đang có một cách hiểu sai lệch, xa lạ với những giá trị tốt đẹp của lễ hội. Không ít người đi dự lễ hội chủ yếu là nặng về cầu xin danh lợi cho cá nhân, cho gia đình mình. Các vị thần thánh, anh hùng dân tộc cũng bị biến thành "thế lực" để phù hộ cho nhu cầu cá nhân. Những việc làm đó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và ham muốn lợi lộc cá nhân, đã phá vỡ không gian văn hóa và sự thiêng liêng của lễ hội và nơi thờ tự, tạo nên tệ nạn mê tín dị đoan.

Ghi nhận tại đền Bà chúa Kho, hàng vạn người đến đây mỗi ngày, "đốt" tiền thật, vay tiền ảo, mong được làm "con nợ" bà Chúa.

Theo truyền thuyết ngôi đền được lập để tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho lương thực triều đình tại Núi Kho. Sau khi hy sinh, người dân gọi bà với niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho. Giờ người dân tin rằng "vay vốn" của Bà Chúa Kho để làm ăn "có lộc".

Hay tại Ngôi đền ông Hoàng Bảy, tỉnh Lào Cai, thờ "thần vệ quốc" - vị anh hùng lừng lẫy của miền sơn cước đánh giặc phương Bắc bảo vệ dân làng. Không biết từ bao giờ, có những người về đây để dâng lễ cầu lộc mà là lộc lô đề, thậm chí buôn bán hàng lậu. Có những người xin ngài Hoàng Bảy "che mắt cán bộ công an cho hàng lậu trót lọt qua biên giới".

Vụ lợi từ tâm linh

Với một bộ phận khá đông người đi lễ, một mục đích kép đã được đặt ra, đồng thời với việc hành hương văn hóa, người ta đặt vào đấy khá nặng những nguyện vọng cá nhân như cầu may và cầu lợi. Với nhiều người, chùa chiền là nơi đến để cầu xin, Thánh thần và Phật có thể mua được bằng đồ lễ.

Tâm lý xin xỏ trong cuộc sống ngoài đời len lỏi vào cả đời sống tâm linh, với ý nghĩ là ta dâng lên thánh thần thì ta sẽ được lại một cái gì đó. Sự trống rỗng trong tâm thức cũng như việc không phân biệt được nhu cầu về tín ngưỡng với mê tín dị đoan đã tạo ra nhiều lộn xộn, lệch lạc tại lễ hội.

Xu hướng nặng về cầu may và cầu lợi ở lễ hội

Việt Nam có gần 8.000 lễ hội mỗi năm. Tính ra, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội. Tức là bình quân mỗi giờ, ở Việt Nam lại có một lễ hội. Hà Nội là nơi có nhiều lễ hội nhất, số lượng 1.095; Lai Châu ít nhất với 17 lễ hội.

Lễ hội gắn với lịch sử, danh lam thắng cảnh có ý nghĩa tích cực với đời sống tinh thần, song cũng cần tránh tình trạng lạm dụng lễ hội để trục lợi và gây lãng phí cho xã hội.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước