Thời gian gần đây, khái niệm "Thành phố thông minh" đã trở nên phổ biến, với cách hiểu đơn giản là thành phố có ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển kinh tế bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Với mô hình thành phố thông minh, người dân không phải chịu cảnh tắc nghẽn giao thông, không phải xếp hàng dài tại các bệnh viện. Người dân sẽ được thụ hưởng các tiện ích như: dịch vụ công trực tuyến, nền giáo dục thông minh, giải trí đa phương tiện…
Tại diễn đàn cấp cao ICT Summit 2016 diễn ra ngày 24/9 tại Hà Nội, Thủ tướng đã nhấn mạnh: Một trong 8 nhiệm vụ cần phải tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong thời gian tới là xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, trong đó đi đầu là các đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng. Thành phố thông minh sẽ giải quyết những bức xúc xã hội về giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự… góp phần đem lại môi trường sống văn minh, hiện đại, nâng cao chất cuộc sống cho người dân.
Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế của Việt Nam, việc có một nguồn vốn để xây dựng thành phố thông minh cũng chưa được đặt lên hàng ưu tiên. Chỉ tính riêng Hà Nội, nếu xây dựng thành phố thông minh sẽ cần tới 60.000 tỷ đồng, trong khi đó, việc triển khai còn vướng các thủ thục giấy tờ pháp lý.
Vì vậy, để giải quyết khó khăn, các chuyên gia khuyến cáo cần đi chậm và chắc khi xây dựng thành phố thông minh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!