Dịch COVID-19 gây nhiều thiệt hại cho mọi mặt trong xã hội, đặc biệt là nền kinh tế, trong đó có ngành giao thông vận tải. Để phòng chống dịch bệnh, các tuyến vận tải hành khách, hàng hoá buộc phải tạm thời ngừng hoạt động nhằm thực hiện tốt việc giãn cách xã hội. Các phương tiện giao thông công cộng cũng phải hạn chế ra đi lại, nhiều doanh nghiệp vận tải "chật vật" thực hiện các biện pháp khác nhau để cân bằng tài chính, "sống sót" trước đại dịch. Hiện nay, mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng các ngành kinh tế đang dần có kế hoạch để phục hồi sau dịch.
Đối với ngành giao thông vận thải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu các sở Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận chuyển hành khách với cơ quan tài chính địa phương theo hướng phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ, các Sở phải hướng dẫn các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe chủ động nghiên cứu, xem xét giảm các loại chi phí dịch vụ trong bến xe từ nay cho đến hết năm 2020 để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách giảm chi phí, tăng doanh thu và lợi nhuận để từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.
Sở GTVT cũng cần chủ động liên hệ, phối hợp với cơ quan thuế, tài chính địa phương và các cơ quan liên quan để đánh giá, thống kê thiệt hại đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe để đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét đưa ra các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực vận tải đường bộ. Đồng thời, báo cáo thống kê sản lượng vận chuyển khách, chuyến/lượt kể từ khi Thủ tướng công bố dịch.
Trước đó, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã có chỉ đạo các cục quản lý chuyên ngành tập trung, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. Cụ thể là yêu cầu các cục, tổng cục chỉ đạo cán bộ rà soát từng nhóm ngành, nhiệm vụ cụ thể, đê có thể giảm, giãn, hoãn các thủ tục, phí, lệ phí, cũng như giá dịch vụ cho các doanh nghiệp để ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh. Đối với những việc không thuộc thẩm quyền của đơn vị, phải đề xuất lên cấp cao hơn để đề xuất các bộ, ngành hỗ trợ hoặc kiến nghị Chính phủ có cơ chế phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!