Tỉnh, thành nào ở ĐBSCL cũng có ít nhất 1 bãi rác, có nơi có đến 3 - 4 bãi. Gọi là bãi rác, thực tế ở đây đúng nghĩa chỉ là nơi tập kết rác, khâu xử lý gần như không có gì ngoài cố gắng phun hóa chất khử mùi và ngăn rò rỉ nước rác. Tuy nhiên, việc làm này cũng chẳng thấm vào đâu.
Hiện nay tình trạng quá tải, chất thành núi ở các bãi rác là khá phổ biến. Đây cũng là nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do mùi hôi, ruồi muỗi và nước rỉ rác. Giải pháp cho những bức xúc này là nới rộng bãi rác hoặc đóng cửa bãi rác cũ, mở thêm bãi rác mới ở nơi khác, thậm chí trong rừng phòng hộ. Việc phải sống gần bãi rác là một thảm họa, bởi vậy nhiều người dân phải "bỏ của chạy lấy người". Người ở lại đành phải chịu đựng, bức xúc và lo sợ bởi sức khỏe bị đe dọa hàng ngày.
Áp lực xử lý rác ngày càng tăng khi tốc độ đô thị hóa ngày càng lớn. Tình hình này đang khiến nhiều địa phương "đau đầu", nhất là trong việc kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác. Tuy nhiên, khi đã có nhà máy xử lý rác, tình hình hoạt động của các nhà máy cũng khá èo uột, thậm chí phải đóng cửa.
"Loay hoay" mãi với công nghệ chôn lấp rác, mới đây thành phố Cần Thơ đã chính thức vận hành nhà máy đốt rác thải phát điện. Đây được xem là một hướng đi mới, triển vọng cho vấn đề xử lý rác ở ĐBSCL. Xu hướng biến rác thành điện đang được nhiều tỉnh ở ĐBSCL quan tâm đầu tư. Ngoài nhà máy tại thành phố Cần Thơ, tỉnh Cà Mau vừa nhập dây chuyền xử lý rác, tỉnh Bạc Liêu đang xúc tiến một khu đất để làm nhà máy kiểu này. Với động thái tích cực như vậy, câu chuyện xử lý rác ở ĐBSCL sẽ căn cơ, bài bản và đạt hiệu quả hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!