Bản giao hưởng hòa bình – Hồi ức của những người bên kia giới tuyến

T.H-Thứ bảy, ngày 19/04/2014 17:26 GMT+7

“Bản giao hưởng hòa bình không chỉ là câu chuyện của những người Việt Nam mà còn là những hồi ức ám ảnh của những người bên kia giới tuyến” - đây là chia sẻ của BTV Nguyễn Anh Ngọc, thành viên nhóm sản xuất chương trình Bản giao hưởng hòa bình trên VTV6.

Mong muốn đem tới một câu chuyện chứa đựng đầy đủ những góc nhìn từ các bên trong cuộc chiến của Pháp tại Việt Nam, ê kip sản xuất chương trình Bản giảo hưởng hòa bình - chương trình kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của VTV, đã thực hiện một serie phóng sự ở Pháp với sự tham gia của nhiều nhân chứng lịch sử quan trọng tại đây.

VTV Online đã có cuộc gặp gỡ cùng BTV Nguyễn Anh Ngọc – một trong ba thành viên nhóm sản xuất chương trình Bản giao hưởng hòa bình đi công tác tại Pháp.

‘ Lý do nào mà ekip sản xuất chương trình quyết định sang Pháp để thực hiện phóng sự về chiến dịch Điện Biên Phủ?

BTV Anh Ngọc: Thời gian đầu, chúng tôi cũng trăn trở không biết phải làm gì khi mà có quá nhiều chương trình đã làm về Điện Biên Phủ, nhưng chúng tôi nghĩ rằng nếu mọi người chỉ nói về Việt Nam thì chúng tôi sẽ là những người làm phóng sự về những người ở bên kia chiến tuyến.

Bởi lẽ, sự kiện lịch sử này nếu chỉ nói từ phía những người Việt Nam thì chưa đủ, chúng tôi mong muốn thông qua tiếng nói của những người lính Pháp trực tiếp tham trận ở Việt Nam để đưa ra một bức tranh về chiến thắng Điện Biên Phủ trọn vẹn, hào hùng và vẻ vang hơn.

Bên cạnh đó, chuyến đi Pháp không chỉ dừng lại ở việc thực hiện loạt phóng sự về các nhân vật trong chương trình Bản giao hưởng hòa bình, ekip sản xuất còn thực hiện việc tìm hiểu khách mời, trò chuyện và tìm kiếm nguồn tư liệu cho những phim tài liệu sẽ sản xuất trong tương lai.

‘ Vậy những phóng sự được sản xuất tại Pháp sẽ đóng vai trò như thế nào trong chương trình Bản giao hưởng hòa bình?

BTV Anh Ngọc: Hệ thống các phóng sự được thực hiện tại Pháp bình gồm 6 phóng sự chính chiếm một nửa tổng số phóng sự trong chương trình Bản giao hưởng hòa bình và sẽ được kể theo đúng đường dây câu chuyện trong kịch bản chương trình.

Bắt đầu bằng câu chuyện của những người lính Pháp vào thời điểm 60 năm trước cho đến thời điểm hiện tại. Đó sẽ là câu chuyện về những điều đã ám ảnh những người lính Pháp tham gia tại chiến trường Việt Nam. Họ cũng sẽ trả lời cho câu hỏi tại sao những điều đó lại có sức ám ảnh lớn đến vậy.

Bên cạnh đó, câu chuyện còn kể về những người yêu chuộng hòa bình và những chuyên gia lịch sử Đông Dương ở Pháp. Qua đó, chương trình mong muốn đưa ra một cái nhìn ca chiều từ những người đã từng ở phía bên kia giới tuyến trong cuộc chiến này.

Qua những câu chuyện này, ekip sản xuất mong muốn truyền tải thông điệp: “Không ai muốn chiến tranh, tất cả mọi người đều mong muốn hòa bình, thậm chí cả những người Pháp, dù họ có cầm súng hay không”.

‘ Anh có thể hé lộ về những nhân vật sẽ có mặt trong các phóng sự này?

BTV Anh Ngọc: Nhân vật của chương trình sẽ chia làm ba nhóm. Khán giả sẽ được gặp lại nhiều nhân chứng lịch sử rất nổi tiếng như Bà Raymond Dien - người đã nằm xuống đường ray xe lửa chặn đoàn tàu chở vũ khí đến Việt Nam; Bà Gallard là nữ y tá duy nhất của Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ giai đoạn tháng 3/1954; Đạo diễn Daniel Roussel – đạo diễn của bộ phim tài liệu nổi tiếng: Cuộc chiến giữa hổ và voi…

Nhóm đầu tiên là các chuyên gia lịch sử người Việt Nam và Pháp. Họ sẽ tham gia trả lời phỏng vấn ở góc độ những nhà nghiên cứu lịch sử về cuộc chiến này, trong đó chương trình cũng đề cập tới nhiều sự kiện quan trọng như Hiệp định sơ bộ 1946, Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954…

Nhóm khách mời thứ hai gồm 4 cựu chiến binh, những người đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tại Việt Nam. Họ sẽ đem tới chương trình nhiều câu chuyện, kỉ vật về Điện Biên Phủ. Đó là cũng hồi ức, cảm giác của họ về cuộc chiến tranh này.

Nhóm khách mời cuối cùng là những người Pháp yêu chuộng hòa bình và phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam từ những năm 1946 tới nay.

‘ Thực hiện một phóng sự tại nước ngoài, đoàn có gặp nhiều khó khăn?

BTV Anh Ngọc: Tất nhiên là sẽ có khó khăn nhưng điều khó nhất là việc tìm kiếm nhân vật. 60 năm đã trôi qua, để tìm được một người Việt Nam minh mẫn kể lại câu chuyện quá khứ đã khó, huống chi là những người Pháp.

Ở thời điểm ban đầu, khi chưa tìm được bất kì một thông tin nào, nhóm sản xuất đã phải phân chia đi tìm kiếm những nơi có khả năng như Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, liên hệ với những chuyên gia lịch sử tại Việt Nam đã từng trò chuyện với các nhân chứng lịch sử người Pháp. Và kết thúc cuộc tìm kiếm, chúng tôi có trong tay 20 địa chỉ liên hệ với các nhân vật để làm “của cải”. Tuy nhiên, từ kế hoạch đến thực tế có một sự khác biệt rõ rệt.

Một điều may mắn là khi sang Pháp, ekip sản xuất đã nhận được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại đây, cùng với việc chính những nhân vật mà chúng tôi phỏng vấn giới thiệu đã giúp chúng tôi nhiều trong việc tìm hiểu thông tin.

‘ Làm thế nào để ekip sản xuất có thể khai thác đầy đủ các câu chuyện của những nhân vật này?

BTV Anh Ngọc: Với những nhân vật đã lên danh sách, BTV sẽ lên câu hỏi phỏng vấn cơ bản dành cho từng người. Nhưng không phải lúc nào công việc cũng được suôn sẻ thuận lợi.

Khi ở Pháp, sự thay đổi khi phỏng vấn thực kế có thể chiếm 30 - 40% kịch bản, do đó, sau khi kết thúc một cuộc nói chuyện với bất kì nhân vật nào, chúng tôi cũng phải về cùng bàn bạc để đưa ra định hướng sản xuất nội dung đi theo hướng mới sao cho phù hợp với chất liệu của cả câu chuyện.

Liên tục cập nhật như vậy, chắc hẳn những nhân vật trong các phóng sự này hứa hẹn sẽ đem tới những câu chuyện thú vị!

Trong quá trình thực hiện các phóng sự, ekip sản xuất đã gặp rất nhiều nhân vật ở độ tuổi từ 80 – 90 tuổi và mỗi người lại có một câu chuyện riêng. Song, dù tất cả họ có nói về cuộc chiến này như thế nào, thuộc phe này hay phe kia, cho nó là thắng lợi hay thất bại thì điều cuối cùng mà họ công nhận đều là một sự nể phục dành cho quân đội Việt Nam, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

‘ Là những người trẻ tham gia sản xuất một chương trình về sự kiện có số tuổi lớn hơn nhiều lần số tuổi của mình, Ngọc Anh có thấy khó và khô khan?

BTV Anh Ngọc: Thực ra làm chương trình có thể khó nhưng không khô khan. Cái khó là ở chỗ những thành viên trong ekip không phải là những người sống trong thời đấy. 60 năm đã qua, rất nhiều nhân chứng lịch sử không còn nữa. Thêm vào đó, đây là một chương trình kỉ niệm lớn, đòi hỏi những người làm phải đào sâu, tìm hiểu nhiều tài liệu và tham khảo nhiều chuyên gia để có thể hình thành một hệ thống kiến thức về Điện Biên Phủ.

Song, cũng chính vì tìm hiểu sâu về nó, bản thân mình sẽ có tình cảm gắn bó với nó và cảm thấy làm chương trình lịch sử sẽ không còn khô khan nữa. Mình mong muốn được truyền tải thông điệp đó đến khán giả.

Một điều may mắn là ekip sản xuất đều đã có kinh nghiệm thực hiện nhiều chương trình về các sự kiện lịch sử. Điều đó đã giúp làm giàu thêm vốn kiến thức của chúng tôi. Riêng tôi cho rằng, bất kì việc gì muốn làm hay cũng đều phải bắt đầu từ cảm xúc, nên nếu đã gắn bó với những câu chuyện của chương trình thì tôi cũng mong muốn có thể truyền tải điều đó tới khán giả.

Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước