Bài ca chiến thắng 2015 - Xin đa tạ những tháng năm vĩ đại

Cuốn nhật ký đặc biệt về Thế chiến thứ II trên sóng VTV

T.H-Thứ năm, ngày 07/05/2015 14:02 GMT+7

Nhà báo Lại Văn Sâm tại châu Âu thực hiện chương trình "Bài ca chiến thắng". Ảnh do nhân vật cung cấp

VTV.vn - "Không chỉ tái hiện quá khứ, Bài ca chiến thắng 2015 còn là cuốn nhật ký đặc biệt tri ân những thế hệ đã hy sinh trong Thế chiến thứ II", nhà báo Lại Văn Sâm chia sẻ.

Là chương trình thường niên do VTV sản xuất kể từ năm 2011, năm nay, chương trình Bài ca chiến thắng sẽ có chủ đề “Xin đa tạ những tháng năm vĩ đại”. Chia sẻ về Bài ca chiến thắng 2015, nhà báo Lại Văn Sâm - Trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí cho biết: “Đúng theo tinh thần chủ đề của chương trình, Bài ca chiến thắng 2015 không chỉ đề cập tới chiến thắng của nước Nga trong Thế chiến thứ II mà còn đưa ra góc nhìn rộng hơn về cuộc chiến tranh này”.

Theo đó, kết cấu của chương trình năm nay sẽ có sự khác biệt. Không có những cuộc trò chuyện được ghi hình tại trường quay, chương trình năm thứ 5 sẽ là sự đan xen giữa các phóng sự tư liệu và trình diễn nghệ thuật.

Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên chương trình Bài ca chiến thắng được ê-kíp sản xuất ghi hình tại các nước: Anh, Pháp, Áo, Đức, Nga và Belarus với sự dẫn dắt của nhà báo Lại Văn Sâm. Bởi vậy, Bài ca chiến thắng 2015 cũng được đánh giá là chương trình khó thực hiện và phức tạp nhất từ trước đến nay.

VTV News đã có cuộc trò chuyện nhà báo Lại Văn Sâm về chương trình Bài ca chiến thắng năm nay:

Bài ca chiến thắng 2015 có gì đặc biệt so với những năm trước, thưa nhà báo?

NB Lại Văn Sâm: Như thường lệ, mỗi năm, chương trình Bài ca chiến thắng sẽ lấy tên một bài hát Nga để làm chủ đề của chương trình. Năm nay, Bài ca chiến thắng 2015 sẽ có tên “Xin đa tạ những tháng năm vĩ đại”. Đồng thời, cả nội dung và hình thức thể hiện đều có những nét đặc biệt hơn các năm trước.

Về mặt nội dung, chương trình năm nay sẽ được mở rộng hơn. Không chỉ nói về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nước Nga, Bài ca chiến thắng 2015 còn mở rộng đề cập tới các nước đồng minh tham chiến trong Thế chiến thứ II. Đặc biệt, ở chương trình năm nay, chúng tôi sẽ lần đầu tiên cùng lúc giới thiệu với khán giả hai nhân vật có vai trò rất quan trọng trong Cuộc chiến tranh thế giới thứ II là Adolf Hitler và Georgi Konstantinovich Zhukov.

Bên cạnh đó, Bài ca chiến thắng 2015 cũng có kết cấu chương trình khác với mọi năm. Ở các năm trước, chương trình thường được thể hiện trên sân khấu, có giao lưu khách mời và gặp gỡ các nhân chứng lịch sử. Tuy nhiên, chương trình năm nay lại là sự pha trộn giữa một bộ phim tài liệu và một chương trình nghệ thuật. Vì vậy, chúng ta cũng có thể gọi Bài ca chiến thắng năm nay là một chương trình tài liệu nghệ thuật.

Theo dõi chương trình năm nay, khán giả sẽ thấy rất nhiều địa danh, nhiều nhân vật lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong Chiến tranh thế giới thứ II. Tuy nhiên, điều đặc biệt là sau đó sẽ có người nhận ra rằng – “Đúng! Mình cần phải nói lời đa tạ với những người đã chết, những người đang sống và những người từng tham gia cuộc chiến tranh này”.

Với những thay đổi về nội dung cũng như kết cấu như vậy, ê-kíp sản xuất chắc hẳn đã gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình?

NB Lại Văn Sâm: Quá trình thực hiện chương trình Bài ca chiến thắng năm nay khó hơn mọi năm bởi kết cấu chương trình không có phần sân khấu. Việc đưa những thước phim tư liệu phóng sự trên nền các ca khúc Nga khiến ê-kíp gặp không ít khó khăn khi vừa muốn truyền tải nội dung của bài hát, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo giúp khán giả hiểu rõ nội dung của tài liệu lịch sử đề cập trong các phóng sự.

Đặc biệt, chỉ có thời lượng 90 phút nhưng chương trình Bài ca chiến thắng lại xâu chuỗi những sự kiện quan trọng nhất trong Chiến tranh thế giới thứ II bao gồm rất nhiều dấu mốc bước ngoặt, địa danh nổi tiếng và nhân vật lịch sử.

Nhà báo Lại Văn Sâm và nhà báo Tùng Chi bàn bạc kịch bản trong quá trình thực hiện chương trình Bài ca chiến thắng

Nhà báo Lại Văn Sâm và nhà báo Tùng Chi trao đổi về kịch bản trong quá trình thực hiện chương trình "Bài ca chiến thắng"

Vậy ê-kíp sản xuất đã làm như thế nào để giải quyết vấn đề này, thưa nhà báo?

NB Lại Văn Sâm: Sợi dây xuyên suốt chương trình năm nay sẽ là những dấu mốc thời gian. Chúng tôi đề cập đến những dấu mốc thời gian quan trọng nhất diễn ra từ 1941 - 1945 trong Chiến tranh thế giới thứ II.

Thực ra, cũng có thể gọi chương trình năm nay là một cuốn nhật ký lịch sử về Thế chiến thứ II bởi chương trình này sẽ trả lời nhiều câu hỏi như nó được bắt đầu từ đâu? Cuộc chiến tranh này đã diễn ra như thế nào? Và kết quả của nó ra sao? Tất cả những dữ liệu đó sẽ được sắp xếp theo trình tự thời gian.

QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN MẠO HIỂM VÀ CÔNG PHU

Được biết, chương trình năm nay đã thực hiện ghi hình tại 5 quốc gia châu Âu. Ê-kíp sản xuất có gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm việc?

NB Lại Văn Sâm: Năm nay là lần đầu tiên chương trình Bài ca chiến thắng được thực hiện ghi hình tại nhiều quốc gia đến vậy, gồm 5 nước - Pháp, Áo, Đức, Nga và Belarus, trong 22 ngày. Có thể nói, Bài ca chiến thắng 2015 là chương trình được đầu tư cầu kỳ, phức tạp nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi nhìn lại quá trình thực hiện, có thể khẳng định chương trình năm nay đã hoàn thành được 90% theo dự kiến ban đầu. Có một điều tiếc nhất là tôi đã không thể gặp được nữ nhạc sĩ Nga Alexandra Pakhmutova - người mà cá nhân tôi rất ngưỡng mộ từ thời còn là sinh viên.

Ê-kíp thực hiện chương trình Bài ca chiến thắng
Ê-kíp thực hiện chương trình "Bài ca chiến thắng"

Trước đó, để đảm bảo cho công tác ghi hình tại nước ngoài, ê-kíp đã phải chuẩn bị những gì?

NB Lại Văn Sâm: Theo ý tưởng ban đầu, để kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức, Bài ca chiến thắng 2015 sẽ được làm với hình thức một cầu truyền hình liên quốc gia gồm các điểm cầu Mỹ, Anh, Nga, Pháp và Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên chương trình đã bất ngờ bị thay đổi vào phút cuối.

Chỉ có một thời gian ngắn để lên ý tưởng và thực hiện, đã có lúc tôi cho rằng mình không thể hoàn thành chương trình năm nay với chất lượng như mong muốn. Tuy nhiên, đúng lúc đó, thật may là nhà báo Tùng Chi (một thành viên trong ê-kíp sản xuất) đã tìm ra ý tưởng cho chương trình này sau khi trở về từ chuyến học tập tại Đức.

Nếu ở các năm trước, quá trình sản xuất chương trình luôn được tính toán kỹ lưỡng và sản xuất theo đúng lộ trình đã định thì năm nay, Bài ca chiến thắng lại được thực hiện có phần mạo hiểm. Không có khảo sát trước, quá trình làm việc tại nước ngoài của cả đoàn hoàn toàn dựa vào thông tin trên mạng. Thậm chí, đến nhiều nơi, đoàn còn phải quay "trộm" vì không có thời gian liên hệ trước. (Cười)

Bản thân nhà báo có kỷ niệm đặc biệt nào khi tham gia thực hiện chương trình Bài ca chiến thắng năm nay?

NB Lại Văn Sâm: Trong chuyến đi lần này, lần đầu tiên tôi có cơ hội đến Belarus. Tại đây, tôi có đến pháo đài Brest, một trong những địa điểm quan trọng nhất của Liên Xô trong Thế chiến thứ II.

Khi đến đây, tôi đặc biệt ấn tượng với một bức tượng mang tên Khát. Bức tượng tạc hình một người chiến sĩ đang nằm vươn tay cầm chiếc mũ sắt để múc nước từ con sông bao quanh pháo đài. Điều khiến tôi khó quên nhất chính là khuôn mặt người chiến sĩ này, ở đó không chỉ mang tới cảm giác về sự vất vả, mệt nhọc mà còn ẩn chứa sự thèm khát mãnh liệt.

Tôi đã thử đến bờ sông và múc một bình nước đổ vào chiếc mũ của người lính này. Trong lúc đó, tôi chợt nghĩ tới một câu hát tiếng Nga - “đến với em sao mà khó thế nhưng đến với cái chết chỉ có 4 bước chân”. Có lẽ, hành động lấy nước của tôi chỉ mất khoảng 2-3 phút nhưng với những người lính đóng tại nơi này vào thời điểm đó, chỉ vài bước chân để lấy nước uống cũng có thể sẽ dẫn đến cái chết.

Cảnh tượng đó khiến tôi vừa thấy xót xa nhưng cũng khẳng định tôi đang đi đúng hướng bởi chương trình tôi đang làm là lời tri ân dành cho chính họ - những người đã chết trong cuộc chiến tranh này.

Nhà báo Lại Văn Sâm tại pháo đài Brest - nơi anh có ấn tượng đặc biệt với bức tượng "Khát"

Qua nghiên cứu kịch bản chương trình có thể thấy vị trí của những ca khúc Nga trong chương trình năm nay rất quan trọng. Việc có gần 20 ca khúc được sử dụng trong toàn bộ chương trình là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Tại sao nhà báo lại sử dụng nhiều bài hát Nga cho những chương trình do mình thực hiện như vậy?

NB Lại Văn Sâm: Từng có một phóng viên người nước ngoài cũng hỏi tôi như vậy. Lúc đó, tôi chỉ đơn giản trả lời - bởi qua những bài hát Nga, người ta có thể hiểu được tâm hồn Nga, tính cách Nga, con người Nga.

Tôi nghĩ, với những ca khúc được sử dụng trong chương trình năm nay, không cần là những người lãng mạn, mà chỉ là những khán giả bình thường vẫn có thể cảm nhận từ cuốn nhật kí lịch sử của Bài ca chiến thắng những cảm xúc sâu lắng thực sự.

Lắng nghe nhà báo chia sẻ, dễ dàng nhận ra nhà báo có một tình cảm rất đặc biệt đối với đất nước Nga...

NB Lại Văn Sâm: Tôi từng có thời gian 12 năm sinh sống và học tập tại Nga. Sang Nga từ khi mới 17, 18 tuổi, có thể nói cả tuổi trẻ của tôi là ở nước Nga. Tôi yêu nước Nga. Thực ra, trong cái chung có riêng, nếu không có tình yêu với nước Nga, có lẽ tôi đã không làm nhiều chương trình về nơi này đến vậy. Nước Nga rất kì lạ, nó khiến mình yêu quý và khó thể quên được.

Bây giờ, tôi cũng rất lo lắng. Sắp tới, tôi sẽ nghỉ hưu. Không biết sau đó sẽ có ai tiếp tục làm về nước Nga bởi làm chương trình về nước Nga không chỉ để giới thiệu với khán giả về quốc gia này mà còn đang giúp nuôi dưỡng chính tâm hồn chúng ta.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với độc giả VTV News!

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước