Đề tài biển đảo chiếm phần lớn thể loại Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm

CA-Thứ năm, ngày 18/12/2014 15:39 GMT+7

Nhà báo Trần Gia Thái

Nhà báo Trần Gia Thái, Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội - Trưởng ban giám khảo thể loại Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm đã có những chia sẻ về công tác chấm thi LHTHTQ năm nay.

Thưa ông, đến thời điểm này, công tác chấm thi của BGK ở thể loại Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm đã đạt tiến độ như thế nào?

Nhà báo Trần Gia Thái: Năm nay, thể loại Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm nhận được số lượng tác phẩm dự thi tương đối lớn, bao gồm 28 tác phẩm với thời lượng hơn 2.000 phút. Để có thể kịp tiến độ mà BTC đề ra, các giám khảo đã tăng cường thời gian chấm, một ngày với ba buổi sáng - chiều - tối. Có thể nói, đến thời điểm này, công tác chấm thi của BGK thể loại Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm đã hoàn tất.

Về các tác phẩm dự thi năm nay, BGK đã có những đánh giá như thế nào, thưa ông?

Nhà báo Trần Gia Thái: Đối với thể loại Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm, trước hết điều đầu tiên có thể nhận thấy là các tác phẩm dự thi năm nay có đề tài phong phú, đa dạng, đề cập đến những vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương, những vấn đề bức xúc của dân sinh, trong đời sống đều được nói đến khá đầy đủ và kỹ lưỡng.

Đặc biệt, có những vấn đề nóng bỏng, nổi cộm đã được các Đài quan tâm và đề cập khá tốt. Trong 28 tác phẩm dự thi thì hơn 30% lấy đề tài biển đảo, 20% đề tài về nông thôn, nông nghiệp. Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục cho thế hệ trẻ - một đề tài mới cũng đã có 5 tác phẩm dự thi. Có thể thấy, các tác phẩm đã phản ánh phần nào bức tranh toàn cảnh của đất nước trong năm 2014.

Một điểm nữa có thể nhận ra là trước đây, nếu các tác phẩm dự thi giữa các đài TH địa phương và Đài TH Quốc gia có một khoảng cách thì năm nay khoảng cách đó đã được thu hẹp lại. Đây là một là điều rất đáng mừng. Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm là một thể loại khó, nếu không làm cẩn thận thì dễ dẫn đến sự khô cứng, nhàm chán. Vì vậy, mà các Đài truyền hình đã có sự tìm tòi mới để giúp tác phẩm hấp dẫn hơn, đã tìm cách thể hiện khác như thêm phóng sự minh họa, phóng sự hiện trường, trao đổi giữa ba người... Khách mời cũng đã sát hơn, đều là những chuyên gia trong ngành, có uy tín và sức thuyết phục cao.

Điều thứ ba đó là khâu đạo diễn đã được quan tâm. Các đạo diễn đã biết cách thể hiện, chọn góc độ quay, chăm chút hình ảnh đẹp để nâng cao chất lượng.

Vậy, nếu xét về sự hạn chế, thì các tác phẩm dự thi còn tồn tại những gì điểm gì, thưa ông? 

Nhà báo Trần Gia Thái: Tôi nhận thấy một số Đài địa phương còn thiếu chăm chút cho tác phẩm, chưa có ý thức đầu tư để mang đi thi. Các tác phẩm này cũng không được đánh giá cao.

Một hạn chế có thể nhận thấy ở các tác phẩm dự thi năm nay là BTV đang "tham" quá. Trong những vấn đề lớn thì chưa biết chọn góc độ, khía cạnh nào để đề cập đến, ví dụ như cùng đề tài biển đảo nhưng nói về cái gì, cùng đề tài tam nông nhưng nói về cái gì, tai nạn giao thông, suy thoái kinh tế thì nên chọn khía cạnh nào để nói. Và nếu đã nói thì phải nói sâu, đến nơi đến chốn, tránh việc ôm đồm, nói nhiều vấn đề rồi làm tác phẩm bị dàn trải, loãng chủ đề. Bên cạnh đó, việc diễn giả nói nhiều, nói xa chủ đề cũng khiến chương trình trở nên lan man. Đây là điều tối kỵ ở thể loại này.

Trong số các tác phẩm dự thi, ông nhận thấy có những tác phẩm thực sự nổi trội ở thể loại này?

Nhà báo Trần Gia Thái: Với cá nhân tôi, tôi nhận thấy có một số tác phẩm khá tốt như tác phẩm Cầu Truyền hình DK1 thân yêu của Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS), tác phẩm Từ tam nông đến cánh đồng lớn của đài PT-TH An Giang, tác phẩm Phim trẻ: Đường dài cho phim ngắn, Cảm ơn cuộc đời của Đài THVN, tác phẩm Nhân vật & sự kiện của đài PT-TH Thái Bình nói về đề tài biển đảo.

Đảm nhận vị trí giám khảo trong LHTHTQ năm nay, ông có thể chia sẻ thêm ý nghĩa của việc tổ chức LHTHTQ hàng năm?

Nhà báo Trần Gia Thái: Có thể thấy LHTHTQ không phải là cuộc thi, chính tên gọi đã nói lên điều đó. Đến với LHTHTQ, tôi thấy điều đầu tiên là các Đài TH có cơ hội trao đổi để có thêm nhiều tác phẩm hay, phát sóng phục vụ khán giả; đây còn là dịp để những người làm truyền hình giao lưu, tọa đàm. Đặc biệt trong đó, các hội thảo với đề tài về truyền hình theo tôi có ý nghĩa quan trọng nhất. Những hội thảo giúp mọi người có thể giao lưu, học tập, trao đổi, tiếp cận những cái mới của công nghệ sản xuất thông tin, của giới báo chí truyền thông trên thế giới, cũng như những kiến thức, công nghệ mới, để tiếp tục duy trì và phát triển.

Tôi cũng hy vọng các Đài truyền hình địa phương làm sao nâng cao trình độ hơn nữa để LHTHTQ được diễn ra với một mặt bằng thi chung, vì hiện nay vẫn còn một khoảng cách.

Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước