Nằm trong khuôn khổ hoạt động của Telefilm 2017, buổi hội thảo Phim truyền hình Việt Nam: Xu thế và thách thức do Trung tâm sản xuất phim – Đài THVN (VFC) đã diễn ra vào chiều ngày 8/6. Nắm bắt và đưa ra bàn luận một trong những vấn đề đang rất được quan tâm của ngành truyền hình trong nước hiện nay, buổi hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều vị khách đến dự.
Buổi hội thảo có sự tham dự của ông Đỗ Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC), Đài truyền hình Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Hưng – Phó giám đốc Hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh; NSND Hoàng Dũng; ông Hồ Trọng Hữu – Phó giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình và ông Shinichi Mishiro – Nhà sản xuất Đài truyền hình TBS (Nhật Bản).
Vấn đề đầu tiên được đưa ra trong buổi hội thảo chính là thực trạng của phim truyền hình Việt hiện tại. Ông Nguyễn Quốc Hưng – Phó giám đốc Hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh - chia sẻ trong khoảng 3 năm trở lại đây, phim truyền hình Việt Nam đã được dùng một số "mỹ từ" như phim truyền hình Việt Nam đang tuột dốc không phanh, thoái trào hay đi vào đường cùng. Qua đó, có thể thấy được bức tranh ảm đạm cho phim truyền hình Việt dù trước đó, thể loại này từng rất nở rộ và đạt được đỉnh cao trong khoảng từ 2007 đến 2010.
Lý giải về nguyên nhân khiến phim truyền hình Việt không còn được yêu thích như trước, ông Nguyễn Quốc Hưng cho rằng: "Điều quan trọng nhất khiến khán giả cảm thấy không còn hứng thú với phim truyền hình Việt bởi chất lượng phim không còn được tốt. Bên cạnh đó, phim truyền hình Việt cũng phải chịu sự cạnh tranh từ những bộ phim nước ngoài, các bộ phim chiếu online hay từ truyền hình thực tế...".
Bàn về vấn đề này, NSND Hoàng Dũng lại nhìn theo góc nhìn khác, dưới con mắt của một diễn viên. Theo NSND Hoàng Dũng, hiện tại đội ngũ diễn viên của phim truyền hình Việt rất phong phú, được đào tạo chuyên nghiệp hay không chuyên. Điều này góp phần giúp phim truyền hình Việt có sức hấp dẫn hơn với khán giả. Theo NSND Hoàng Dũng, ngoài kịch bản, đạo diễn, quay phim thì linh hồn của bộ phim chính là diễn viên.
Tuy nhiên, hiện tại, việc một số gương mặt trẻ mải chạy theo số lượng mà đôi khi không chú ý đến chất lượng là một trong những yếu tố khiến phần nào đó ảnh hưởng đến chất lượng phim. Theo NSND Hoàng Dũng, ông luôn luôn ý thức được vấn đề này nên khi chọn kịch bản vô cùng chọn lọc và kỹ lưỡng.
Dù từng có thời điểm bị chính khán giả quay lưng nhưng hiện tại, phim truyền hình Việt đã có những tín hiệu vui.
Ông Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ: "Những bộ phim như Zipo, mù tạt và em, Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng đã và đang gây bão mạng, khuấy đảo các diễn đàn người xem phim truyền hình. Có thể xem đây là thành công ngoài sức tưởng tượng của Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) cùng ê-kíp thực hiện phim cũng như người trong giới. Từ đây có thể nói rằng: một cuộc chơi mới bắt đầu, một trật tự mới được xác lập và tất nhiên sẽ xuất hiện những tay chơi mới! Tất cả sẽ chỉ qui về một chữ "chuyên nghiệp"".
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng cho rằng hiện phim truyền hình Việt bắt đầu bước vào một giai đoạn mới: "Đây chính là lúc khán giả đang đòi hỏi cao hơn ở phim truyền hình Việt ở cả nội dung và hình thức thể hiện. Điều này buộc các nhà sản xuất phim phải tự học hỏi kinh nghiệm, bắt kịp với xu thế mới hay tìm những cách khác nhau để nâng cao chất lượng, ví dụ như hợp tác sản xuất với các đài truyền hình nước ngoài".
Trong buổi hội thảo, ông Đỗ Thanh Hải cũng đưa ra những nghiên cứu từ khán giả và cho thấy những kết quả khá khả quan như trong số các chương trình truyền hình, phim truyện vẫn được yêu thích nhất, quan tâm nhiều nhất ở nội dung, chất lượng diễn viên... Điều này cho thấy các nhà sản xuất phim trong nước hoàn toàn vẫn có cơ hội để kéo khán giả lại về với mình.
Một trong những điểm nữa cũng cần phải thay đổi trong sản xuất phim truyền hình, đó chính là cách nghĩ khác về khán giả. Trước đây khán giả hoàn toàn ở thế bị động, phát sóng chương trình gì thì xem chương trình đó nhưng nay thì đã khác. Họ muốn được chủ động xem những cái họ muốn và từ đó dẫn đến thị hiếu khác nhau.
"Tất cả cần có sự chuyên nghiệp thì mới có thể giữ được khán giả" - ông Đỗ Thanh Hải khẳng định.
Buổi hội thảo còn có những chia sẻ của ông Shinichi Mishiro – Nhà sản xuất Đài truyền hình TBS (Nhật Bản) - về Phát triển phim truyền hình trong giai đoạn Internet bùng nổ và giải pháp tiếp cận thị trường quốc tế và Đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất phim truyền hình.