“...Chính sự đa dạng và không tính toán được đó sẽ tạo ra màu sắc mới cho chương trình” - Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ lý do vì sao ông nhận lời làm cố vấn âm nhạc cho chương trình Du ca Việt (phát sóng vào sáng thứ 7 cách tuần trên sóng VTV1) và đồng hành cùng nhạc sĩ Lê Minh Sơn trong hành trình rong ruổi đầy ý nghĩa này.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường - cố vấn âm nhạc của chương trình Du ca Việt, cũng là người bạn nghề thân thiết của hai "gã du ca" Trần Tiến và Lê Minh Sơn.
‘Tìm kiếm kiểu… Lê Minh Sơn’
Thưa nhạc sĩ Nguyễn Cường, với ông, du ca là một hình thái nghệ thuật nên được hiểu và nhìn nhận thế nào trong đời sống nhạc Việt hiện nay?
- Du ca “thống trị” nhân loại kể từ khi con người biết hát. Người du ca truyền thống của Việt Nam chính là những người hát xẩm. Tinh thần du ca đó đã thấm vào các nhạc sĩ sau này, từ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn đến Trần Tiến và bây giờ là Lê Minh Sơn.
Tôi cho rằng, Du ca Việt nếu thành công, mà chắc chắn sẽ thành công, nó sẽ là sự ghi dấu đặc biệt trong thời buổi âm nhạc Việt đang không biết đi về đâu như bây giờ. Tâm huyết của những người thực hiện là sẽ đi đến khắp nơi, tìm đến những số phận đặc biệt nhất và đang ôm trong mình một khát khao rất thuần khiết: Cất lên tiếng hát để quên đi những vướng bận thường ngày vẫn đè nặng lên cuộc sống của họ.
Và đây là dịp những người du ca âm thầm ở khắp nơi trên đất nước này có dịp “bước ra ánh sáng”. Chính sự đa dạng và không tính toán được đó sẽ tạo ra màu sắc mới cho chương trình.
Lý do nào khiến ông tin rằng Lê Minh Sơn là người tiếp nối tinh thần du ca của những nhạc sĩ lớn như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến?
- Tôi thậm chí còn cho rằng, hành trình du ca của Lê Minh Sơn, nếu thành công sẽ là tầm cao hơn những người du ca ở thế kỷ trước, ở chỗ: Những người kia mang giọng hát của mình đến và quần chúng là người thụ động nghe, còn Du ca Việt của Sơn là nơi chắp cánh cho những giọng hát tinh hoa từ khắp mọi miền đất nước đến với mọi người, là nơi những người du ca được giao lưu với cộng đồng.
Ca sĩ Đan Trường đồng hành cùng nhạc sĩ Lê Minh Sơn trong Du ca Việt số 2 (lên sóng hôm 15/8)
Để theo đuổi chương trình này, Sơn đã phải vác theo cây đàn ghi ta của mình đi “sục sạo”, tìm ra những nhân vật độc đáo ở khắp những vùng quê trên dải đất hình chữ S. Họ chính là linh hồn của từng mảnh đất. Công việc Sơn làm là đi tìm những giọng hát, những linh hồn chứ không phải những thân phận. Các vấn đề Lê Minh Sơn đặt ra ở Du ca Việt rất đời thường. Tôi tin Sơn sẽ tìm ra những tài năng đáng trân trọng trong cuộc tìm kiếm của anh.
"Anh Bo" Đan Trường gặp lại khán giả Cao Bằng sau đúng 10 năm
Với một kho tàng dân ca phong phú của 54 dân tộc tại 63 tỉnh thành trong cả nước, tôi tin là Sơn có cả một mảnh đất phì nhiêu để mà “vùng vẫy”...
Du ca lúc này đã khác
Có thể nói ở "Du ca Việt", Lê Minh Sơn đã làm cả công việc của một người điền dã. Nhưng con đường Lê Minh Sơn đi trong âm nhạc, thì chưa hẳn là con đường của một kẻ du ca?
- Đúng thế, người du ca phải có sự lang thang và hình ảnh người nghệ sĩ với một cây đàn giản dị nay đây mai đó, đi khắp nơi để hát đã trở thành hình mẫu chung rồi. Sở dĩ người ta gọi Trần Tiến là “kẻ du ca cuối cùng của thế kỷ 20” vì sang thế kỷ 21, mọi thứ đã khác - công nghệ khác, phương tiện khác, cách người ta du ca cũng sẽ khác đi. Người du ca ở thế kỷ mới có thể không cần cầm đàn đi lang thang nữa nhưng hình thái du ca vẫn tiếp nối.
Tôi gọi 4 nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến và Lê Minh Sơn là đại diện tiêu biểu cho 4 thời kỳ của du ca Việt vì đó là 4 cột mốc nối tiếp rất tiêu biểu.
Trần Tiến - Nguyễn Cường - Lê Minh Sơn là một “tam giác thân thiết” trong làng nhạc. Điều gì khiến ông và Lê Minh Sơn đồng cảm với “người du ca cuối cùng của thế kỷ 20”, để hôm nay hào hứng viết tiếp "Du ca Việt"?
- Du ca là phương thức Trần Tiến tìm thấy để thể hiện tâm hồn mình nhưng nó cũng đồng thời là bản chất tâm hồn của Tiến - “ông hoàng nhạc pop Việt Nam”. Bản thân nhạc pop đã có tính du ca rồi, vì đó là âm nhạc của nhiều người, rất gần gũi với đời sống tâm hồn của số đông và Tiến viết, hát một cách sâu sắc về những điều đó. Có thể những chuyến đi, sự lăn lộn với đời sống đã mang cho Tiến điều đó nhưng cũng có thể Tiến sinh ra là để hát về những điều như vậy...
Nhạc sĩ Trần Tiến của thời "Du ca đồng nội", từng được mệnh danh là "kẻ du ca cuối cùng của thế kỳ 20"
Trong cuộc đời du ca của mình, nhạc sĩ Trần Tiến đã gặp không ít những trắc trở. Ông có nghĩ, những truân chuyên đó cũng rất dễ “vận” vào Lê Minh Sơn, như một thứ “nghiệp chướng” ở những kẻ du ca?
- Tôi chơi với Tiến không với tư cách là một người bạn cùng du ca nên những trắc trở Tiến gặp phải, tôi không biết và hiểu hết được. Chỉ biết, con đường của Trần Tiến là cuộc tìm kiếm độc hành, còn con đường của Lê Minh Sơn đang làm là có cả một ê-kíp đứng sau, có cả một Hội Nhạc sĩ hỗ trợ. Người trẻ có lợi hơn các thế hệ khác là vậy…
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Sau số 1 (phát sóng hôm 1/8/2015) với câu chuyện cảm động về chị Đinh Thị Bông (dân tộc Tày, tỉnh Bắc Cạn) - người đàn bà khiếm thị có giọng hát trong trẻo lay động lòng người nơi sơn cước, Du ca Việt số 2 đã trở lại vào sáng thứ 7 (15/8) với câu chuyện hết sức đặc biệt của Sùng A Lự - cậu bé người H’Mông sống trong hang đá (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), từng được đưa về Hà Nội góp mặt trong Dàn hợp xướng kỳ diệu của nghệ sỹ piano Trang Trịnh…
Đồng hành cùng Du ca Việt lần này là ca sĩ Đan Trường (sau tròn 10 năm gặp lại khán giả Cao Bằng), ca sĩ Ngọc Khuê và nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường…
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!